Một vài ví dụ về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
Mục lục
Hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh đang cạnh tranh nhau để chiếm lĩnh thị trường thì hoạt động nhượng quyền thương mại càng diễn ra phổ biến vì nó vừa mang được lợi ích cho cả đôi bên, bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại năm 2005 thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền yêu cầu và cho phép bên nhận quyền phải tự mình thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh…của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền trợ giúp và kiểm soát bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Lợi ích của việc nhượng quyền thương mại
- Đối với bên nhượng quyền không phải đầu tư nhiều vốn nhưng mô hình kinh doanh, thị trường tiêu thụ hàng hóa sẽ được mở rộng hơn, từ đó giới thiệu, quảng bá được thương hiệu của mình đến nhiều nơi.
- Đối với bên nhận quyền sẽ được thừa hưởng kinh nghiệm, bí quyết về cách sản xuất hàng hóa, cách tổ chức kinh doanh từ bên nhượng quyền, góp phần giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh. Hơn nữa bên nhận quyền không cần phải xây dựng thương hiệu, đặt tên sản phẩm, đăng kí nhãn hiệu,…góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí kinh doanh.
Xem thêm: Đăng ký bản quyền thương hiệu như thế nào?
Ví dụ điển hình về nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam
Nhượng quyền thương hiệu Cà phê Trung Nguyên
Năm 1996, Cà phê mang thương hiệu Trung Nguyên chính thức ra đời tại Buôn Mê Thuộc. Để giới thiệu và quảng bá thương hiệu đến nhiều người tiêu dùng, năm 1998, Công ty Trung Nguyên mở quán cà phê đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương hiệu, cũng từ đó các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên xuất hiện khắp mọi nơi trên toàn quốc.
Năm 2000 là dấu mốc phát triển nhảy vọt của thương hiệu Trung Nguyên vì đã hiện diện tại Hà Nội, các tỉnh khác tại Việt Nam và cũng lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản, tiếp theo đó là những nước như: Mĩ, Sin-ga-po, Thái Lan, Trung Quốc,… Tính đến năm 2013 đã có gần 1000 quán cà phê nhượng quyền trên cả nước và hơn 50 Quốc gia trên thế giới. Với vai trò của hoạt động chuyển nhượng thương hiệu thì cà phê thương hiệu Trung Nguyên đã được đã được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ lan rộng tại trong nước và nước ngoài.
Nhượng quyền của Phở 24
Phở 24 là chuỗi cửa hàng phở Việt Nam thuộc tập đoàn Nam An Group – Tập đoàn thực phẩm lớn nhất cả nước. Phở 24 đầu tiên được mở vào năm 2003 tại số 5, Nguyễn Thiệp, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Với mục tiêu xây dựng một thương hiệu phở nổi tiếng, doanh nhân Lý Quý Trung đã chọn hình thức nhượng quyền thương hiệu Phở 24 để tiết kiệm vốn đầu tư, chi phí về nhân công,…
Đến 2009, đã có gần 80 cửa hàng Phở 24 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu… và có mặt tại một số nước như: Philippines, Hàn Quốc, Úc, Indonesia. Năm 2012, Phở 24 đã đạt khoảng 200 cửa hàng thông qua hợp đồng nhượng quyền thương mại.
Hoạt động nhượng quyền thương mại có vai trò rất quan trọng trong việc các doanh nghiệp muốn phát triển, mở rộng thương hiệu đến người tiêu dùng, thông qua đó thương hiệu sẽ vững mạnh và tăng sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác.