Đăng ký bản quyền phần mềm máy tính
Mục lục
Đăng ký bản quyền phần mềm máy tính là việc chủ sở hữu phần mềm nộp hồ sơ bảo hộ phần mềm máy tính tại Cục bản quyền tác giả để được cấp Giấy chứng nhận bản quyền phần mềm máy tính. Việc đăng ký bảo hộ sẽ giúp chủ sở hữu độc quyền sử dụng phần mềm máy tính do mình sáng tạo ra tại Việt Nam, tránh những hành vi xâm phạm bản quyền có thể có trong tương lai.
1. Tìm hiểu bản quyền phần mềm máy tính là gì?
Phần mềm máy tính được viết bằng ngôn ngữ lập trình, khi gắn vào một thiết bị mà máy tính đọc được sẽ hướng dẫn máy tính, hệ thống giải quyết hoặc xử lý vấn đề đã được lập trình sẵn. Phần mềm máy tính bao gồm chương trình máy tính, thư viện và dữ liệu không thể thực thi có liên quan với nhau, chẳng hạn như tài liệu trực tuyến hoặc phương tiện kỹ thuật số.
Bản quyền phần mềm máy tính tự động phát sinh quyền tác giả khi phần mềm máy tính được tạo ra và thể hiện dưới dạng một vật chất nhất định. Tuy nhiên, để bảo vệ tối ưu quyền và lợi ích của bản thân thì bạn nên đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước. Sau khi có Giấy chứng nhận bảo hộ, bạn không cần phải chứng minh quyền tác giả thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ khi có bằng chứng ngược lại. Và dễ dàng sử dụng các biện pháp bảo vệ quyền lợi cũng như yêu cầu nhà nước xử lý hành vi xâm phạm.
2. Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm máy tính ra sao?
Quy trình các bước đăng ký bản quyền phần mềm máy tính được diễn ra như sau:
Bước 1: Hồ sơ đăng ký bảo hộ
Những giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký bảo hộ phần mềm máy tính gồm:
- Đơn yêu cầu bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính;
- 02 bản in code phần mềm máy tính có đánh số từng trang và dấu giáp lai hoặc chữ ký của chủ sở hữu đăng ký;
- 02 bản đĩa CD chứa nội dung phần mềm máy tính (gồm Code, bản in trang chủ giao diện và chuyên mục phần mềm);
- Giấy uỷ quyền cho chủ thể khác đại diện đăng ký bảo hộ;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Sau khi chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ trên thì nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng).
Bước 3: Nhận kết quả đăng ký
Trong 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Ngược lại, nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.
3. Thời hạn bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính bao lâu?
Theo quy định tại Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung, sửa đổi năm 2009 và năm 2019 thì phần mềm máy tính có thời hạn bảo hộ như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân
Quyền nhân thân gắn liền với người tạo ra phần mềm máy tính nên sẽ được bảo hộ vô thời hạn. Quyền nhân thân bao gồm quyền đặt tên, quyền đứng tên trên phần mềm; quyền được nêu tên khi phần mềm được sử dụng, công bố; quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc.
Thứ hai, quyền công bố phần mềm máy tính, quyền tài sản
Khi phần mềm máy tính không hiển thị tên tác giả hoặc chưa có tên tác giả trên tác phẩm khi công bố thì thời gian bảo hộ là 75 năm, kể từ khi phần mềm được công bố lần đầu tiên.
Khi thông tin liên quan đến tác giả xuất hiện thì thời gian bảo hộ sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Nếu có đồng tác giả thì thời gian bảo hộ sẽ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng mất.