Sinh con xong ly hôn, ai là người được nuôi con?
Mục lục
Ly hôn không chỉ là sự kiện chấm dứt mối quan hệ vợ chồng mà còn làm phát sinh thêm nhiều vấn đề khác, trong đó có quyền nuôi và nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng con cái. Do đó, trước khi tiến hành thủ tục này tại Tòa án, các bên thường tìm hiểu rất cẩn thận, kỹ lưỡng, thậm chí mời luật sư để được nhận lời khuyên hữu ích. Vậy trong trường hợp sinh con xong ly hôn thì ai sẽ là người được nuôi con?
Có thể ly hôn ngay khi vừa sinh con không?
Hiện nay, việc yêu cầu ly hôn sau sinh con có thể căn cứ dựa theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể như sau:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Như vậy, khi vừa mới sinh con xong hoặc con đang nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trong trường hợp ly hôn đơn phương sau sinh, người vợ có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với trường hợp đồng thuận thì cả hai vợ chồng phải yêu cầu. Điều này nhằm thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật Việt Nam trước những vấn đề thường xảy ra trong đời sống hôn nhân.
Sinh con xong ly hôn, ai sẽ là người có quyền nuôi con?
Vấn đề giành quyền nuôi con, đặc biệt trong trường hợp ly hôn sau sinh chắc hẳn được nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Về việc trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục con cái đã được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, vợ chồng sẽ thỏa thuận về người có quyền nuôi con khi ly hôn, nghĩa vụ nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Đối với trường hợp không thỏa thuận được quyền nuôi con, Tòa án sẽ giải quyết theo chiều hướng có lợi cho con. Đồng thời, sẽ căn cứ vào độ tuổi của con để xem xét, cụ thể như sau:
- Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.
Như vậy, trong trường hợp con dưới 36 tháng tuổi, người mẹ sẽ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, nếu mẹ không đáp ứng đủ điều kiện về trông nom, chăm sóc, giáo dục thì sẽ không giành được quyền nuôi con. Do đó, việc xác định điều kiện tốt, có lợi cho con sẽ dựa trên các tiêu chí sau:
- Điều kiện vật chất: Người mẹ phải có công việc ổn định, mức thu nhập tốt, không bị mắc các khoản nợ tài chính,…
- Điều kiện tinh thần: Người mẹ cần có thời gian chăm sóc, giáo dục, dạy dỗ con cái, tạo môi trường tốt nhất cho con được sinh sống, học tập và phát triển.
- Nhân thân tốt: Chưa từng mắc tiền án, tiền sự hoặc lâm vào các tệ nạn xã hội, đạo đức bị băng hoại như ngoại tình, cờ bạc,…
Không trực tiếp nuôi con thì sẽ có quyền và nghĩa vụ gì?
Đối với trường hợp sinh con xong ly hôn, người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn sẽ có quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Như vậy, căn cứ vào các khoản trên, bên cạnh người có quyền nuôi con, người còn lại không trực tiếp nuôi con cần phải thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, cha, mẹ trực tiếp nuôi con sẽ không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo Điều 83 của Luật này.