Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam
Mục lục
Những năm qua, phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại tại Việt Nam đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các công ty nước ngoài mở rộng vào thị trường Việt Nam và ngược lại cũng là mô hình chủ đạo để các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn chi tiết các quy định liên quan đến nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.
1. Điều kiện nhượng quyền thương mại tại Việt Nam là gì?
Điều kiện nhượng quyền thương mại tại Việt Nam được quy định như sau:
1.1. Đối với bên nhượng quyền
Theo quy định pháp luật thương mại cũ, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Hệ thống kinh doanh dự định nhượng quyền thương mại đã hoạt động được ít nhất 01 năm. Nếu thương nhân Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp của Bên nhượng quyền nước ngoài thì thương nhân Việt Nam đó bắt buộc phải kinh doanh theo phương thức nhượng quyền tối thiểu 01 năm tại Việt Nam trước khi tiến hành cấp lại quyền thương mại;
- Đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Hàng hoá, dịch vụ hoạt động kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định tại Điều 7 của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.
Tuy nhiên theo quy định pháp luật thương mại mới nhất, hiện nay đã bãi bỏ điều kiện thứ 02 và thứ 03. Bên nhượng quyền chỉ cần thỏa mãn điều kiện thứ 01, đó là hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm.
Lưu ý: Nhượng quyền trong nước và nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài không phải đăng ký hoạt động nhượng quyền nhưng phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.
1.2. Đối với bên nhận quyền
Theo quy định pháp luật thương mại trước đây, điều kiện để bên nhận quyền được phép nhận quyền thương mại là có đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại. Tuy nhiên, quy định này đã được bãi bỏ. Hiện nay, bên nhận quyền không chịu ràng buộc gì về điều kiện khi nhận quyền thương mại.
2. Hồ sơ đăng ký nhượng quyền thương mại gồm những gì?
Bộ hồ sơ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại bao gồm những giấy tờ như sau:
- Đơn đăng ký thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Bản giới thiệu về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Bản sao y Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập xác nhận khi nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt nam;
- Bản sao y văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài trong trường hợp có chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ;
- Bản sao y giấy tờ chứng minh cho phép nhượng quyền lại của bên nhượng quyền ban đầu khi thương nhân đăng ký nhượng quyền là bên nhượng quyền thứ cấp.
3. Các bước đăng ký nhượng quyền thương mại như thế nào?
Quy trình đăng ký nhượng quyền hoạt động thương mại diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn hồ sơ và nộp
Chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký như trên và nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho Bộ công thương để kiểm tra và xét duyệt hoặc từ chối.
Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận sẽ ghi giấy biên nhận. Giấy biên nhận hồ sơ lập thành 03 liên theo mẫu TB-1A, TB-1B tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 09/2006/TT-BTM. 01 liên giao cho thương nhân đăng ký nhượng quyền thương mại và 02 liên lưu tại cơ quan đăng ký.
Bước 2: Nhận kết quả
Trong 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, Bộ Công thương thực hiện đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại vào Sổ đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
Trường hợp hồ sơ đăng ký nhượng quyền chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công thương thông báo bằng văn bản để Bên nhượng quyền bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Nếu hồ sơ bị từ chối việc đăng ký thì Bộ Công thương phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.