Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Quyền tác giả là đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù pháp luật đã đưa ra những cơ chế bảo hộ nhất định nhưng hiện tượng xâm phạm quyền tác giả vẫn diễn ra phổ biến và có xu hướng ngày càng tinh vi và phức tạp. Hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chủ sở hữu của tác phẩm.
Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã liệt kê ra hàng loạt các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ đã liệt kê cụ thể ra 16 hành vi xâm phạm quyền tác giả nhưng tựu chung lại, những hành vi có những đặc điểm sau thì được liệt kê là hành vi xâm phạm quyền tác giả:
- Chiếm đoạt trái phép quyền tác giả dưới bất kỳ hình thức nào;
- Mạo danh tác giả;
- Thực hiện những hành vi liên quan đến tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả (đồng tác giả) như công bố, sao chép, chỉnh sửa, làm tác phẩm phái sinh… trừ một số trường hợp quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ;
- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;
- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo;Thực hiện những hành vi đối với bản sao của tác phẩm mà không được tác giả đồng ý.
Tuy nhiên, để khẳng định rằng một hành vi được xem là xâm phạm quyền tác giả khi và chỉ khi có đủ căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau đây:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Đối tượng bị xem xét của hành vi xâm phạm quyền tác giả được đề cập ở đây chính là tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học đang được bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, pháp luật Sở hữu trí tuệ cũng loại trừ các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: tin tức thời sự thuần túy đưa tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó, quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.
Hành vi bị xem xét là hành vi bị nghi ngờ là hành vi xâm phạm và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận có phải là hành vi xâm phạm hay không hoặc nói cách khác là những hành vi được liệt kê tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ như kể trên. Tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ cũng đưa ra các quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền thù lao, nhuận bút và các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao tại các Điều 25, 26 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Có thể nói pháp luật sở hữu trí tuệ đã đưa ra những quy định cụ thể để bảo hộ quyền tác giả trong khuôn khổ của mình, tuy nhiên thực tế cho thấy hiện nay có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả chưa được xử lý. Tuy nhiên, về phía tác giả thì đăng ký quyền tác giả được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tác phẩm khỏi hành vi xâm phạm.