Quy trình xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả
Pháp luật sở hữu trí tuệ đã đưa ra những quy định về xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả nhằm răn đe những đối tượng có hành vi xâm phạm. Thực tế cho thấy, để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả cần chuẩn bị những tài liệu cần thiết, đồng thời tác giả nên chủ động trong việc đăng ký quyền tác giả để tự bảo vệ mình.
Giai đoạn 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
Thứ nhất: Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm.
Thứ hai: Tài liệu, chứng cứ, hiện vật, kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm.
Giai đoạn 2: Trình tự xử lý hành vi xâm phạm
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm
Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả được quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Tiếp nhận đơn
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành thụ lý đơn và giải quyết. Nếu thấy thẩm quyền thuộc cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đơn.
Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá ba mươi ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.
Trong các trường hợp sau đây, cơ quan xử lý xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm, có nêu rõ lý do từ chối:
- Hết thời hạn ấn định quy định mà người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật có liên quan;
- Hết thời hiệu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;
- Kết quả xác minh của cơ quan xử lý xâm phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;
- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý xâm phạm.
Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý hành vi vi phạm đồng thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có) nếu xác định có hành vi xâm phạm quyền tác giả.