Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho từng đối tượng
Mục lục
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề nhức nhối của nhiều cá nhân, tổ chức sở hữu, sử dụng, khai thác đối tượng sở hữu trí tuệ trên thị trường. Vậy các đối tượng nào được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp? Phương thức phát sinh và bảo vệ quyền này được quy định như thế nào? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây.

Các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là một trong các loại quyền sở hữu trí tuệ vô cùng quan trọng. Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”.
Như vậy, có thể xác định các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Sáng chế
- Kiểu dáng công nghiệp
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- Bí mật kinh doanh
- Nhãn hiệu
- Tên thương mại
- Chỉ dẫn địa lý.
Căn cứ phát sinh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ phát sinh đối với quyền sở hữu công nghiệp được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, với từng loại đối tượng cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý xác lập thông qua thủ tục đăng ký bảo hộ quyền với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoặc được công nhận bảo hộ quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
Thứ hai, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
Thứ ba, quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.


Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Đối với các đối tượng cần xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thông qua hoạt động đăng ký bảo hộ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trước hết bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 100 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“a) Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định;
b) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định tại các điều từ Điều 102 đến Điều 106 của Luật này;
c) Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện;
d) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
đ) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
e) Chứng từ nộp phí, lệ phí.”
Hồ sơ đăng ký cần được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ (hoặc các địa điểm tiếp nhận đơn hợp lệ của Cục trên toàn quốc) để được xem xét và cấp văn bằng bảo hộ phù hợp. Tùy thuộc vào đối tượng đăng ký bảo hộ, có các loại văn bằng bảo hộ như:
- Bằng độc quyền sáng chế
- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích
- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp
- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.