Có thể bảo hộ bản quyền bằng những cách nào?
Mục lục
Có rất nhiều cách để bạn có thể bảo hộ bản quyền của mình trong quá trình công bố và sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được toàn bộ các phương thức bảo vệ mà pháp luật đã hướng dẫn để có thể áp dụng hợp lý khi không may xảy ra tranh chấp, hoặc phát hiện xâm phạm đối với tài sản sở hữu trí tuệ mà mình đang sở hữu.
Bảo hộ bản quyền phát sinh như thế nào?
Quyền tác giả được phát sinh tự được theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành như sau:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Khi tác phẩm của bạn được sáng tạo và thể hiện dưới một loại hình vật chất nhất định, bạn sẽ được áp dụng các quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Ngoài ra, bạn còn được sử dụng các biện pháp bảo hộ bản quyền mà pháp luật quy định để áp dụng vào quá trình sử dụng, khai thác, bảo hộ tác phẩm của mình.
Cá nhân, tổ chức có thể tự bảo hộ bản quyền của mình hay không?
Tổ chức, cá nhân sở hữu quyền tác giả có quyền áp dụng các biện pháp tự bảo hộ mà pháp luật hướng dẫn tại khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, để áp dụng được các biện pháp này, trước hết bạn phải chứng minh được tác phẩm, quyền tác giả đó thuộc sở hữu của mình. Trường hợp này, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chính là tài liệu pháp lý hiệu quả nhất trong vấn đề xác thực quyền tác giả. Để có thể nhận được giấy chứng nhận này, bạn bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ở đây là Cục Bản quyền.
Các biện pháp bảo hộ bản quyền theo quy định pháp luật
Ngoài những phương thức tự bảo hộ, trong trường hợp chưa thể tự giải quyết được các hành vi xâm phạm đối với tác phẩm thuộc sở hữu của mình, bạn hoàn toàn có thể nhờ pháp luật can thiệp và xử lý bằng các biện pháp như:
Xử lý xâm phạm bản quyền bằng biện pháp hành chính
Việc áp dụng biện pháp hành chính đối với hành chi xâm phạm bản quyền được thực hiện thông qua hai biện pháp chính đó là:
- Phạt cảnh cáo
- Phạt tiền
Đồng thời, ở một số hành vi xâm phạm có thể áp dụng thêm các biện pháp bổ sung khác để khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm.
Xử lý xâm phạm bản quyền bằng biện pháp dân sự
Xử lý bằng biện pháp dân sự đối với hành vi xâm phạm bản quyền thuộc trách nhiệm của Tòa án nhân dân. Trường hợp nhận được khiếu nại về bản quyền, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự như:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Xử lý xâm phạm bản quyền bằng biện pháp hình sự
Pháp luật hình sự cũng quy định về các loại tội phạm xâm phạm quyền tác giả tại Điều 225 Bộ Luật Hình sự 2015. Trường hợp hành vi phạm tội có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả mà hành vi phạm tội gây ra có thể bị xử lý lên tới phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.