Giấy đăng ký bản quyền là tài liệu pháp lý như thế nào?
Mục lục
Giấy đăng ký bản quyền là cách gọi ngắn gọn của giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm. Bảo vệ bản quyền cho tác phẩm ngày càng nhận được sự quan tâm đúng mức từ cộng đồng. Quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản vô hình, tuy nhiên thông qua các quy định pháp lý cụ thể, nó đã ngày càng trở thành một loại tài sản đặc biệt quan trọng mang lại các giá trị về thương mại cho chủ sở hữu.
Giấy đăng ký bản quyền có nội dung như thế nào?
Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền mang những nội dung chính bao gồm:
- Tên tác phẩm, loại hình tác phẩm
- Thông tin về tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm
- Thông tin về chủ sở hữu của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
- Thời gian chấp thuận bảo hộ
- Số Giấy đăng ký bảo hộ quyền tác giả
Các đối tượng được cấp giấy đăng ký bản quyền
Không phải bất kỳ tác phẩm nào cũng được bảo hộ quyền tác giả, theo hướng dẫn tại Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả bao gồm:
“1. Tin tức thời sự thuần tuý đưa tin.
2. Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó.
3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu.”
Đồng thời, pháp luật cũng quy định các loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo đó, chỉ những loại hình này mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền.
Làm sao để sở hữu giấy đăng ký bản quyền?
Quyền tác giả là loại hình sở hữu trí tuệ khá đặc biệt, tập trung bảo hộ đối với hình thức thể hiện của tác phẩm.
Căn cứ phát sinh quyền tác giả
Tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành có quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Với cơ chế phát sinh tự động, việc chứng minh chủ sở hữu của quyền tác giả gặp khá nhiều khó khăn khi không may phát sinh tranh chấp; hoặc trong những hoạt động thương mại mà quyền tác giả là đối tượng giao dịch chính. Vì vậy, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chính là tài liệu quan trọng, là cơ sở pháp lý đầu tiên để xác nhận chủ sở hữu, tác giả của một tác phẩm.
Thủ tục đăng ký cấp giấy đăng ký bản quyền
Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm, bạn phải tiến hành thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền. Hồ sơ đăng ký bản quyền bao gồm một số tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ quyền tác giả
- Mẫu tác phẩm cần được bảo hộ bản quyền
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn hợp pháp
- Văn bản đồng ý của các tác giả, chủ sở hữu nếu tác phẩm có đồng tác giả, thuộc sở hữu chung
- Giấy ủy quyền nếu ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục
- Văn bản cam kết tác phẩm hoàn toàn được chính tác giả tự sáng tạo ra, không hề sao chép