Hướng dẫn đăng ký bản quyền nhãn hiệu 2021
Mục lục
Hoạt động đăng ký bản quyền nhãn hiệu luôn là một trong những thủ tục được các chủ sở hữu nhãn hiệu thương hiệu quan tâm thực hiện để bảo vệ nhãn hiệu thương hiệu của mình khi hoạt động kinh doanh trên thị trường. Nhằm hỗ trợ bạn đọc có góc nhìn pháp lý chính xác nhất đối với thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền, quyền tác giả cho nhãn hiệu của mình trong năm 2021, Phan Law Vietnam tổng hợp các quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Đăng ký bản quyền nhãn hiệu là gì?
Đăng ký bản quyền nhãn hiệu là việc thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với đối tượng nhãn hiệu mà bạn sáng tạo hoặc sở hữu. Thực tế, mỗi nhãn hiệu đều là những tác phẩm được thiết kế đặc biệt, dùng để nhận diện thương hiệu, truyền tải thông điệp của thương hiệu đến người xem. Nhãn hiệu cũng được xem là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời cũng sẽ được bảo hộ quyền tác giả dưới hình thức tác phẩm mà nó thể hiện.
Việc thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền cho nhãn hiệu giúp chủ sở hữu, tác giả sáng tạo có trong tay giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây là một trong những tài liệu pháp lý quan trong giúp bạn chứng minh quyền sở hữu của mình đối với loại tài sản đặc biệt này, đồng thời cũng là bước đệm chính để bạn tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác đối với nhãn hiệu thương hiệu.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền nhãn hiệu
Thực tế quyền tác giả được phát sinh trên cơ chế tự động, không cần thông qua bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Tuy nhiên, hoạt động đăng ký quyền tác giả cho nhãn hiệu nhằm giúp bạn khẳng định quyền sở hữu của mình và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận lại quyền này.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho nhãn hiệu
Tùy thuộc vào loại tác phẩm thể hiện nhãn hiệu, bạn có thể chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký chính xác nhất, dựa vào hướng dẫn tiêu chuẩn chung tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.”
Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký bản quyền
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký bản quyền hợp lệ đến Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hồ sơ của bạn sẽ được xử lý trong thời gian 15 ngày làm việc. Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.”
Lưu ý khi thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền nhãn hiệu
Thù tục đăng ký bản quyền nhãn hiệu là thủ tục nhà nước và có thu lệ phí theo quy định, tùy thuộc vào loại hình tác phẩm thể hiện nhãn hiệu mà mức lệ phí này sẽ thay đổi khác nhau, bạn cần tìm hiểu chi tiết để có thể chuẩn bị phù hợp nhất.
Ngoài ra, quá trình tiến hành thủ tục đăng ký quyền tác giả sẽ cần sự phối hợp giữa chủ đơn đăng ký và Cục Bản quyền (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thường xuyên, liên tục; bạn cần đảm bảo giữ thông tin liên hệ chính xác để quá trình xét duyệt diễn ra đúng thời hạn.