Quyền liên quan chỉ bao gồm quyền tài sản?
Pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam không chỉ bảo hộ các quyền tác giả thông thường mà còn áp dụng kể cả với các quyền liên quan đến quyền tác giả. Tức là ngoài việc bảo đảm cho quyền của các chủ thể tạo nên tác phẩm thì pháp luật còn khẳng định được quyền lợi của các chủ thể góp phần trong việc truyền bá tác phẩm đó đến với công chúng. Những chủ thể này được xem là có công lao to lớn trong việc để các giá trị của tác phẩm có thể lan rộng cũng như phổ biến trong xã hội.
Bởi lẽ một tác phẩm sẽ chẳng thể tiếp cận được với công chúng một cách chính xác nhất nếu không có những chủ thể thực hiện công tác truyền tải. Những giá trị của tác phẩm sẽ được truyền đạt một cách trọn vẹn và đúng như ý của tác giả thông qua các chủ thể này. Vì vậy mà vai trò của người truyền đạt đối với tác phẩm là thực sự cần thiết và quyền lợi của họ vì thế mà cũng cần được bảo vệ. Cách thức để pháp luật bảo hộ cho quyền của những cá nhân, tổ chức thực hiện công tác đó chính là thông qua cơ chế quyền liên quan đến quyền tác giả.
Khoản 3 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định: “Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa”.
Chủ thể của quyền liên quan được quy định bao gồm: người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. Cũng giống như quyền tác giả, quyền liên quan cũng có quyền nhân thân và quyền tài sản tương ứng với tùng chủ thể. Quyền nhân thân trong quyền liên quan áp dụng đối với chủ thể là người biểu diễn được quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật này. Theo đó các quyền nhân thân của người biểu diễn bao gồm:
Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn
Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.