Công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước
Mục lục
Trong những năm gần đây, cụm từ “thực phẩm chức năng” được người dân biết tới và sử dụng ngày càng phổ biến. Mọi thực phẩm chức năng trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường đều phải làm thủ tục công bố thực phẩm chức năng theo quy định pháp luật. Quá trình công bố nhằm mục đích để cơ quan thẩm quyền có thể quản lý được các sản phẩm đang lưu hành, sử dụng trong phạm vi Việt Nam. Bài viết dưới đây, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn cho các bạn thủ tục công bố thực phẩm chức năng theo quy định.
Thuật ngữ thực phẩm chức năng được hiểu như thế nào?
Thực phẩm chức năng được biết tới là những thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, khiến cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Tuỳ thuộc vào công thức, hàm lượng các chất và cách thức sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau:
- Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng;
- Thực phẩm bổ sung;
- Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ;
- Sản phẩm dinh dưỡng y học.
Lưu ý: Thực phẩm chức năng không phải thực phẩm thay thế cho thuốc. Đối với những thực phẩm chức năng, nhà sản xuất công bố trên bao bì là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên bao bì là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định.
Giấy tờ công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước?
Khi công bố thực phẩm chức năng sản xuất trong nước thì cần chuẩn bị những giấy tờ sau đây:
- Giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề thực phẩm chức năng;
- Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện về an toàn thực phẩm;
- Có chứng chỉ HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tương đương;
- Bản công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm;
- Bản thông tin sản phẩm;
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm kiểm nghiệm (nộp bản gốc hoặc bản sao công chứng). Các chỉ tiêu kiểm nghiệm bao gồm các chỉ tiêu theo yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, theo yêu cầu của phòng kiểm nghiệm được chỉ định/ được thừa nhận/phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận;
- Mẫu nhãn sản phẩm;
- Mẫu sản phẩm hoàn chỉnh;
- Tài liệu chứng minh về tác dụng của thực phẩm hoặc chứng minh tác dụng của mỗi thành phần tạo nên chức năng cần được công bố;
- Kết quả thử nghiệm hiệu quả về công dụng của thực phẩm đối với những sản phẩm mới lần đầu tiên được đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam chưa được chứng minh an toàn, hiệu quả (các thực phẩm chức năng có công dụng mới, hoặc được áp dụng theo công nghệ mới hoặc được chế biến từ nguyên liệu mới);
- Kế hoạch kiểm soát chất lượng;
- Kế hoạch giám sát định kỳ.
Thủ tục công bố thực phẩm chức năng được diễn ra như thế nào?
Trình tự các bước công bố thực phẩm chức năng được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ và nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bản công bố thực phẩm chức năng như trên qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ trực tiếp đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Bước 2: Nhận kết quả
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Trường hợp không đồng ý với hồ sơ công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung thì phải thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau thời gian 90 ngày làm việc, kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.Lưu ý: Khi sản phẩm có sự thay đổi về tên sản phẩm, xuất xứ, thành phần cấu tạo thì phải công bố lại sản phẩm. Các trường hợp có sự thay đổi khác, thông báo bằng văn bản về nội dung thay đổi.