Bảo hộ phần mềm máy tính
Hiện nay vấn đề bảo hộ bản quyền phần mềm máy tính đang được dư luận và giới chuyên môn quan tâm rất nhiều. Vì đây là giải pháp đối với sự sống còn và phát triển của ngành công nghiệp sản xuất phần mềm máy tính của nước ta.
Điều 747 Khoản 1 BLDS đã xác định phần mềm máy tính là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Điều 4 Nghị định số 76/CP ngày 29-12-1996 còn xác định: “Phần mềm máy tính gồm chương trình máy tính, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, cơ sở dữ liệu”.
Tuy nhiên, khái niệm phần mềm máy tính rộng hơn, bao hàm các đối tượng, tài liệu không thuộc phần cứng liên kết với việc xây dựng và hoạt động của chương trình máy tính và có thể phân loại thành:
- Các tài liệu thiết kế bước đầu thí dụ như sơ đồ khối, biểu đồ, các đặc tả, mẫu biểu bảng…;
- Các chương trình máy tính bao gồm mã nguồn và mã đối tượng;
- Các phương tiện xây dựng phần mềm như các chương trình dịch, chương trình bổ trợ…;
- Thông tin được lưu trữ trên máy tính thí dụ như các tác phẩm viết, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc… được lưu trữ ở dạng số;
- Cơ sở dữ liệu;
- Các thông tin đầu ra của máy tính như âm thanh, các file, các trang in…;
- Hiển thị màn hình;
- Các tài liệu hướng dẫn, tra cứu in trên giấy hay ở dạng số;
- Các ngôn ngữ lập trình.
Mỗi loại hình phần mềm máy tính có một phạm vi bảo hộ khác nhau nên việc xác định đầy đủ, chi tiết các đối tượng thuộc phần mềm máy tính cũng như phạm vi bảo hộ của chúng là hết sức cần thiết. Một số loại hình được được bảo hộ rộng như chương trình máy tính, một số được bảo hộ hạn chế hoặc không bảo hộ vì sự phát triển chung như các ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu.
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là bảo hộ bản thân chương trình máy tính cùng các tài liệu thiết kế ban đầu, tài liệu hướng dẫn sử dụng…như tác phẩm viết theo Công ước Bern còn các đối tượng khác như âm thanh, hiển thị màn hình… còn được bảo hộ riêng như tác phẩm âm nhạc, điện ảnh hay nghe nhìn.