Quy trình đăng ký thương hiệu sản phẩm
Mục lục
Biết cách và thực hiện đúng các thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp được pháp luật bảo hộ độc quyền thương hiệu trong kinh doanh. Hiện tại, có nhiều chủ thể thắc mắc lợi ích khi thực hiện đăng ký là gì? Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm được diễn ra như thế nào? Văn bằng bảo hộ độc quyền thương hiệu có thời hạn bao lâu? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc này cho Quý vị.
1. Lợi ích khi đăng ký thương hiệu sản phẩm là gì?
Mặc dù thủ tục đăng ký thương hiệu không bắt buộc nhưng đây là cách để bảo vệ quyền lợi một cách tối đa. Cụ thể như sau:
- Đánh dấu quyền sở hữu đối với thương hiệu sản phẩm một cách công khai;
- Khi đăng ký bảo hộ sẽ được cấp văn bằng bảo hộ khi đáp ứng đủ yêu cầu;
- Thương hiệu đăng ký bảo hộ sẽ được pháp luật Việt Nam bảo hộ trước mọi hành vi xâm phạm của chủ thể khác;
- Có quyền sử dụng, chuyển giao, chuyển nhượng, để lại thừa kế, góp vốn quyền sở hữu thương hiệu;
- Chủ thể khác muốn sử dụng phải được sự cho phép của chủ sở hữu thương hiệu;
- Được áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền sở hữu logo và có quyền yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để xử lý các hành vi xâm phạm;
- Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm và đưa sản phẩm đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.
2. Quy trình đăng ký thương hiệu sản phẩm diễn ra như thế nào?
Khi thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm thì sẽ trải qua những bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ hồ sơ
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng những giấy tờ dưới đây:
- Tờ khai đăng ký theo mẫu 04-NH (02 bản);
- Mẫu thương hiệu sản phẩm (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa mang thương hiệu;
- Giấy ủy quyền;
- Giấy tờ thể hiện quyền đăng ký;
- Giấy tờ thể hiện quyền ưu tiên;
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.
Bước 2: Nộp hồ sơ và nhận kết quả
Nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ để được xét duyệt. Quá trình xử lý hồ sơ theo quy trình như sau:
- Thẩm định hình thức: Kiểm tra đơn đăng ký có hợp lệ không. Để ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hoặc từ chối;
- Công bố đơn: Sau khi có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì sẽ công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp;
- Thẩm định nội dung: Đánh giá nhãn hiệu có yêu cầu đăng ký bảo hộ có đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ không;
- Ra quyết định: Nếu không đáp ứng yêu cầu bảo hộ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Và ngược lại, nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ và đã chi phí đầy đủ, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
2. Văn bằng bảo hộ thương hiệu sản phẩm có hiệu lực bao lâu?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 93, khoản 2 Điều 94 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 thì Giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
Giấy chứng nhận thương hiệu có thể tiến hành gia hạn nhiều lần liên tiếp nhưng mỗi lần chỉ được tối đa 10 năm. Để gia hạn Giấy chứng nhận bảo hộ thì chủ văn bằng bảo hộ sẽ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.