Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là điều cần thiết
Mục lục
Những thành tựu về công nghệ, về khoa học, kỹ thuật, về những sáng tạo của con người càng ngày càng nhiều và có ý nghĩa rất lớn trong xã hội. Đây là những tài sản vô hình và bản thân người tạo ra không thể chiếm hữu cho riêng mình cũng như không thể coi đó là tài sản cá nhân, những thành tựu này rất dễ bị chiếm đoạt và bị trộm ý tưởng. Do đó, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là điều cần thiết. Mời Quý vị theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn.
1. Thuật ngữ quyền sở hữu công nghiệp được hiểu như thế nào?
Quyền sở hữu công nghiệp được hiểu là quyền sở hữu của cá nhân/tổ chức đối với các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể đó là nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp như sau:
- Bí mật kinh doanh: Khi chủ sở hữu có được một cách hợp pháp những bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật những bí mật kinh doanh đó;
- Sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí: Khi có quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
- Đối với nhãn hiệu nổi tiếng: Căn cứ vào việc sử dụng nhãn hiệu đó;
- Đối với tên thương mại: Căn cứ vào việc sử dụng hợp pháp tên thương mại;
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh: Căn cứ vào việc hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.
2. Các đối tượng nào thuộc sở hữu công nghiệp?
Theo quy định luật sở hữu trí tuệ hiện hành, đối tượng của sở hữu công nghiệp gồm:
- Kiểu dáng công nghiệp: Là hình dáng phía bên ngoài, được thể hiện bởi đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp của đường nét, hình khối, màu sắc;
- Tên thương mại: Được biết tới là tên gọi của chủ thể kinh doanh nhằm mục đích để phân biệt chủ thể mang tên gọi đó với chủ thể khác trong cùng một lĩnh vực kinh doanh và trong cùng một khu vực;
- Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn: Gồm cấu trúc các phần tử của mạch tích hợp bán dẫn và mối liên kết giữa các phần tử với nhau;
- Nhãn hiệu: Là dấu hiệu phân biệt những hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau;
- Bí mật kinh doanh: Là những thông tin có tính chất phải giữ bí mật và những thông tin này có được từ các hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ mà chưa được bộc lộ ra ngoài và được dùng trong kinh doanh để tạo ra lợi thế;
- Sáng chế: Là giải pháp về mặt kỹ thuật, được thể hiện bằng sản phẩm hoặc quy trình làm ra sản phẩm;
- Chỉ dẫn địa lý: Dùng để chỉ nguồn gốc của sản phẩm từ đâu.
3. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm những nội dung nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp bao gồm ba nội dung:
- Ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp như đối tượng của quyền, căn cứ xác lập quyền, điều kiện bảo hộ độc quyền, thủ tục các bước đăng ký bảo hộ và quy trình xử lý đơn đăng ký,…;
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (xác lập quyền);
- Quy định các biện pháp có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của chủ văn bằng sở hữu công nghiệp, đó có thể là quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp tương ứng với hành vi xâm phạm quyền để xử lý.