Chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm bao nhiêu?
Mục lục
Mã vạch sản phẩm đem lại cho tổ chức, doanh nghiệp rất nhiều lợi ích. Đặc biệt là trong hoạt động tránh hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, không thể sử dụng mã số mã vạch sản phẩm một cách tùy tiện mà phải thực hiện việc đăng ký. Vậy chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm hết bao nhiêu? Cùng chúng tôi giải đáp trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Quy định về đăng ký mã vạch sản phẩm
- Tại khoản 1, 2 Điều 3 của Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BKHCN giải thích về mã số, mã vạch như sau:
“1. Mã số là một dãy các chữ số dùng để phân định vật phẩm, địa điểm, tổ chức.
2. Mã vạch là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số sao cho máy quét có thể đọc được.”
- Mặt khác, tại khoản 1 Điều 7 Văn bản hợp nhất nêu trên quy định: “1. Các tổ chức/doanh nghiệp muốn sử dụng MSMV phải đăng ký sử dụng MSMV tại các cơ quan được Tổng cục TCĐLCL chỉ định tiếp nhận hồ sơ đăng ký sử dụng MSMV (sau đây gọi là Tổ chức tiếp nhận hồ sơ).”
Như vậy, tổ chức, doanh nghiệp muốn sử dụng mã vạch sản phẩm phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Tổng cục TCĐLCL. Trường hợp tự ý sử dụng mã vạch chưa đăng ký mã vạch sản phẩm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
2. Chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nào?
Chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm chịu tác động tổng hòa bởi nhiều nhân tố, bao gồm: Số lượng mã số mã vạch đăng ký, thời gian đăng ký.
- Thứ nhất, về số lượng mã số mã vạch đăng ký: Nếu doanh nghiệp đăng ký càng nhiều thì mức phí nộp cũng sẽ nhiều hơn và ngược lại.
- Thứ hai, về thời gian đăng ký: Nếu như doanh nghiệp thực hiện xin cấp và xác nhận sử dụng sau ngày 30/06 hàng năm thì phí duy trì trong năm phải đóng sẽ chỉ chiếm 50% phí duy trì hàng năm tương ứng.
3. Chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm hết bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 11 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BKHCN quy định thì tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch cần phải nộp phí cấp mã số mã vạch khi đăng ký sử dụng và phí duy trì sử dụng hàng năm.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của Thông tư 232/2016/TT-BTC về mức thu phí như sau:
3.1. Mức thu phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch
STT | Phân loại phí | Mức thu (đồng/mã) |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng) | 1.000.000 |
2 | Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) | 300.000 |
3 | Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8) | 300.000 |
3.2. Mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài
STT | Phân loại | Mức thu |
1 | Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm | 500.000 đồng/hồ sơ |
2 | Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm | 10.000 đồng/mã |
3.3. Mức thu phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí)
STT | Phân loại phí | Mức thu (đồng/năm) |
1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 | |
1.1 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm) | 500.000 |
1.2 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm) | 800.000 |
1.3 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm) | 1.500.000 |
1.4 | Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm) | 2.000.000 |
2 | Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) | 200.000 |
3 | Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8) | 200.000 |
4. Nộp phí đăng ký mã số mã vạch sản phẩm ở đâu?
Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức đóng phí đăng ký sử dụng mã số mã vạch, bao gồm:
- Nộp trực tiếp tại Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam có địa chỉ số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Hoặc chuyển khoản theo thông tin tài khoản ngân hàng: Agribank chi nhánh Cầu Giấy thông qua số tài khoản: 1507201067262
Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về chi phí đăng ký mã vạch sản phẩm để bạn đọc tham khảo. Qua bài viết giúp bạn hiểu rõ về các khoản phí cần phải nộp khi đăng ký sử dụng mã vạch sản phẩm. Nếu bạn có thắc mắc nào về vấn đề trên hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý nào khác, hãy liên hệ với chúng tôi nhé.