Thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm theo quy định
Mục lục
Đăng ký mã vạch sản phẩm là một trong những thủ tục pháp lý quan trọng được các cá nhân, tổ chức thực hiện tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Việc này đóng vai trò hợp pháp hóa quá trình đưa sản phẩm kinh doanh/ buôn bán ra thị trường. Vậy thủ tục này sẽ diễn ra như thế nào theo quy định pháp luật?
1. Đăng ký mã vạch sản phẩm là gì?
Đăng ký sử dụng mã vạch là thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số mã vạch. Từ đó, các chủ thể sẽ tiến hành in mã vạch trên từng sản phẩm để đưa vào thị trường một cách hợp pháp. Theo đó, mã vạch được giải thích cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 15/2006/QĐ – BKHCN như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
2. Mã vạch là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số sao cho máy quét có thể đọc được.”
Bên cạnh việc hợp pháp hóa sản phẩm của các cá nhân, doanh nghiệp, thực hiện thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm sẽ đem lại một số lợi ích khác, cụ thể:
- Giúp mở rộng thị trường kinh doanh.
- Giúp dễ dàng kiểm soát sản phẩm, dịch vụ.
- Tăng độ uy tín đến khách hàng.
- Tiết kiệm chi phí, nhân công trong việc quản lý số lượng hàng hóa.
2. Thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm
Làm sao để đăng ký mã vạch sản phẩm? Nếu bạn muốn đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã vạch thì cần tiến hành thủ tục theo trình tự như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng mã vạch sản phẩm sẽ nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã vạch tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Hồ sơ gồm có những tài liệu sau:
- Bản đăng ký sử dụng mã vạch theo mẫu của Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Bản đăng ký theo mẫu danh mục sản phẩm sử dụng mã số, mã vạch.
- Phiếu đăng ký thông tin theo mẫu quy định cho cơ sở dữ liệu GS1.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao) hoặc quyết định thành lập (bản sao).
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký quyền sử dụng mã vạch sản phẩm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiến hành thẩm định. Nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ các giấy tờ theo quy định pháp luật, trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch sẽ có trách nhiệm thông báo nộp doanh nghiệp, cá nhân đóng các khoản phí theo quy định. Đồng thời, sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch.
Đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ, không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho tổ chức, cá nhân về nội dung cần sửa đổi. Theo đó, các chủ thể sẽ căn cứ vào những yêu cầu của cơ quan thường trực về mã số, mã vạch để chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Trả kết quả
Kết quả sẽ được trả trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc theo đường bưu điện. Đối với trường hợp hồ sơ hợp lệ và được cấp Giấy chứng nhận thì cần lưu ý hiệu lực của loại giấy này không quá 03 năm kể từ ngày cấp. Do đó, nếu đến hạn, tổ chức, cá nhân sẽ làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận mã số, mã vạch sản phẩm.
3. Không đăng ký sử dụng mã vạch thì có vi phạm pháp luật không?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về việc bắt buộc phải đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cụ thể được quy định tại Điều 27 Nghị định 80/2013/NĐ – CP. Theo đó, nếu vi phạm một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 27 sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, các cá nhân tổ chức nếu sử dụng trái phép mã vạch, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận mà lại sử dụng mã vạch có đầu mã Quốc gia,… thì sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi sau:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cơ quan nước ngoài có thẩm quyền hoặc không được tổ chức sở hữu mã số mã vạch đó cho phép bằng văn bản.”
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 80/2013/NĐ – CP sẽ có hình thức khắc phục hậu quả, buộc thu hồi hàng hóa gắn mã số mã vạch vi phạm. Do đó, các chủ thể nên thực hiện thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm tại Cơ quan có thẩm quyền để thuận lợi trong quá trình kinh doanh.