Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm
Mục lục
Hiện nay, việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm là một thủ tục bắt buộc đối với các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thực phẩm trước khi đưa sản phẩm lưu thông ra thị trường. Vậy công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được định nghĩa như thế nào? Việc thực hiện thủ tục công bố được thực hiện ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Cơ sở pháp lý
- Luật An toàn thực phẩm 2010;
- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.
2. Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được hiểu là gì?
Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được hiểu là việc cá nhân, tổ chức tự công bố sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật đối với an toàn thực phẩm với các sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
3. Sản phẩm nào phải công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm?
Căn cứ vào Điều 6 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Đăng ký bản công bố sản phẩm
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
3. Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.”
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì các loại thực phẩm trên sẽ phải thực hiện đăng ký công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.
4. Công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm có ý nghĩa gì?
3.1. Với người tiêu dùng
Khi thực hiện việc công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm sẽ có ý nghĩa là nhà nước đã thẩm định rất chặt chẽ và kỹ càng các thông tin của sản phẩm liên quan đến an toàn thực phẩm. Khi đó người tiêu dùng có thể an tâm về chất lượng sản phẩm, sẽ không phải đau đầu trong việc phân biệt các sản phẩm đạt chất lượng hay không. Chỉ cần lựa chọn những sản phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công bố là có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng khi sử dụng.
3.2. Với tổ chức, cá nhân
Việc thực hiện thủ tục công bố phù hợp với quy định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân và tổ chức bởi khi nắm giữ giấy chứng nhận công bố an toàn cho các sản phẩm bạn sẽ có lợi thế hơn các sản phẩm cùng loại khác. Bởi khách hàng sẽ lựa chọn sản phẩm đã được công bố an toàn thực phẩm. Đồng thời việc này cũng góp phần khẳng định vị thế của công ty, doanh nghiệp trên thị trường, tạo độ uy tín với khách hàng.
4. Thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm mới nhất
Thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm được hiểu là trình tự tiến hành các bước theo quy định pháp luật để đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Thủ tục này được quy định cụ thể tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
4.1. Về hồ sơ
Hồ sơ đăng ký được quy định tại Điều 7 Nghị định này bao gồm:
“2. Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm sản xuất trong nước gồm:
a) Bản công bố sản phẩm được quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025;
c) Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
d) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
đ) Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong trường hợp sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).”
4.2. Về trình tự
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định về trình tự thực hiện đăng ký công bố sản phẩm như sau:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định sau đây:
- Nộp đến Bộ Y tế đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
- Nộp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng hoặc không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi và 21 ngày làm việc đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cơ quan tiếp nhận quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.