Sống chung sau ly hôn hợp pháp không?
Mục lục
Hiện nay, trong quá trình ly hôn hoặc sau khi có quyết định ly hôn của Tòa án, vợ chồng vẫn tiếp tục sống chung diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rất người còn e ngại khi không biết sống chung sau ly hôn có hợp pháp hay không? Bài viết dưới đây, Văn phòng đăng ký bản quyền của chúng tôi sẽ tư vấn chi tiết chủ đề này cho các bạn nắm.
1. Có nên sống chung sau ly hôn không?
Ly hôn là thủ tục nhằm chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Có rất nhiều lý do khác nhau, khiến cho hai bên nhận thấy đời sống hôn nhân đã lâm vào tình trạng nghiêm trọng, không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được nên hai bên mới đi đến quyết định ly hôn.
Thông thường, khi ly hôn các cặp vợ chồng thường có tư tưởng muốn cắt đứt mọi liên hệ với đối phương. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp sau khi ly hôn, nhận thấy việc ly hôn là sai, hai bên thực sự còn tình cảm và đã quyết định trở về sống chung với nhau. Việc này là hoàn toàn có thể, bởi việc sống chung với nhau được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên, không bên nào được ép buộc, cản trở điều đó.
Mặc dù vậy, việc quyết định trở về sống chung với nhau cũng cần phải suy tính thật kỹ càng bởi quyết định vội vàng ở thời điểm hiện tại có thể lại gây ra những hậu quả (tinh thần, thể xác, tài chính,..) đã từng xảy ra và gây tổn thương cho nhau thêm một lần nữa. Nếu cảm thấy hai vợ chồng còn yêu thương nhau cũng như được sự ủng hộ của con cái và gia đình thì nên trở về với nhau và cùng nhau xây dựng lại một gia đình hạnh phúc. Còn nếu như, ý định quay về với nhau chỉ là suy nghĩ nhất thời, hai bên còn những khúc mắc, trăn trở liệu có nên hay không nên tiếp tục sống chung với nhau thì hãy cứ từ từ và suy nghĩ lại về quyết định này.
2. Sống chung sau ly hôn khi gặp khó khăn về chỗ ở có hợp pháp không?
Tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau:
“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Theo quy định này, sau khi ly hôn mà vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định ly hôn của cơ quan Tòa án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nghĩa là, nếu không có sự thỏa thuận nào khác, khi người vợ/người chồng có khó khăn về chỗ ở thì có thể tiếp tục sống chung trong nhà ở thuộc sở hữu riêng của người còn lại trong vòng 06 tháng. Khi các bên có sự thỏa thuận khác thì khoảng thời gian này được xác định theo thỏa thuận.
3. Sống chung sau ly hôn khi không gặp khó khăn về chỗ ở được không?
Khi không thuộc trường hợp tại Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (khó khăn về chỗ ở) thì pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Việc đã ly hôn và quay lại sống chung được xác định là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tùy từng trường hợp để xác định việc sống chung với nhau như vợ chồng có hợp pháp hay không. Cụ thể:
Trường hợp 1: Sau khi ly hôn, cả hai vợ chồng đều còn độc thân.
Pháp luật hiện hành không có quy định cấm hay áp dụng chế tài xử phạt nào với hành vi vợ chồng sống chung với nhau sau ly hôn khi cả hai còn độc thân. Do đó, việc tiếp tục sống cùng người chồng/người vợ dù đã ly hôn không được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Trường hợp 2: Một trong hai bên hoặc các bên đều đã tái hôn (đã có người vợ/người chồng mới).
Nếu một trong hai bên hoặc các bên đều đã có người vợ/người chồng mới thì việc sống với nhau như vợ chồng là vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể như sau:
“Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”