Đăng ký bản quyền phần mềm để làm gì?
Mục lục
Đăng ký bản quyền phần mềm là thủ tục pháp lý bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm, hay các sản phẩm công nghệ được tạo ra từ phần mềm. Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm không phải là thủ tục bắt buộc từ pháp luật, vậy tại sao lại phải thực hiện thủ tục này? Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu lý do ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Tại sao nên đăng ký bản quyền phần mềm?
Phần mềm là một trong những loại hình tác phẩm đặc biệt hữu dụng trong thực tiễn đời sống hàng ngày. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các sản phẩm phần mềm dần trở thành “miếng mồi ngon” để các đối tượng xấu lợi dụng sao chép, chỉnh sửa, trục lợi. Việc đăng ký bản quyền phần mềm ngoài mục tiêu bảo vệ phần mềm trước các hành vi xâm phạm, còn đưa đến nhiều lợi ích cho chủ sở hữu như:
- Biến quyền tác giả đối với phần mềm từ một loại tài sản vô hình trở nên hữu hình. Thông qua chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bạn có thể thực hiện các hoạt động thương mại, khai thác giá trị của phần mềm.
- Nâng cao giá trị của phần mềm, cũng như giá trị thương hiệu khi thực hiện kinh doanh. Một phần mềm được pháp luật công nhận, bảo hộ chứng minh uy tín của người sáng tạo cũng như của đối tượng phân phối
- Sau khi đăng ký bản quyền phần mềm thành công, bạn có thể dựa vào đó áp dụng các biện pháp tự bảo hộ, hoặc trực tiếp yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp hỗ trợ xử lý khi phát hiện ra các hành vi xâm phạm trái phép.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm
Bạn có thể đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho phần mềm dưới hình thức bảo hộ tác phẩm chương trình máy tính.
Chương trình máy tính là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.”
Có thể thấy, cách thể hiện chương trình máy tính tương tự và bao gồm cả phần mềm, vì vậy việc bảo hộ quyền tác giả cho chương trình máy tính cũng bao gồm bảo hộ phần mềm.
Thủ tục đăng ký quyền tác giả cho chương trình máy tính
Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền chương trình máy tính, phần mềm được thực hiện tại Cục Bản quyền Việt Nam. Bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các tài liệu sau để nộp đến các địa điểm tiếp nhận đơn hợp lệ của Cục Bản quyền:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả
- Đĩa CD có nội dung code, giao diện trang chủ, trang chuyên mục (nếu có) của phần mềm
- Bản in code, giao diện trang chủ, trang chuyên mục (nếu có) trên giấy A4 có đánh số trang, dấu hoặc chữ ký của chủ sở hữu tác phẩm phần mềm
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn hợp pháp
- Các tài liệu khác liên quan đến việc sở hữu, sáng tác phần mềm
- Bản cam kết của tác giả sáng tạo phần mềm.
Theo quy định tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm như sau:
“Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.”