Hướng dẫn chi tiết cách viết đơn xin ly hôn thuận tình
Mục lục
Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình được viết như thế nào? Khách hàng quan tâm chủ đề trên, vui lòng tham khảo nội dung bài viết sau đây của chúng tôi. Trường hợp cần được tư vấn hoặc có bất kỳ vấn đề thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp.
Ly hôn thuận tình là gì?
Ly hôn thuận tình được hiểu là ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng khi đã thỏa thuận được tất cả những vấn đề về mối quan hệ vợ chồng, quyền nuôi dạy con cái, cấp dưỡng, chia tài sản một cách tự nguyện.
Ly hôn thuận tình khác hẳn với ly hôn đơn phương, bởi ly hôn đơn phương là chỉ có vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn.
Làm đơn xin ly hôn thuận tình như thế nào?
Khi làm đơn xin ly hôn thuận tình, bạn cần trình bày theo hoàn cảnh và lý do thực tế của mình. Cần có đầy đủ những nội dung như sau:
Thứ nhất, tên đơn ly hôn
Nếu chỉ yêu cầu ly hôn mà không yêu cầu giải quyết tài sản, con cái thì chỉ cần để tên “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn”. Ngược lại, nếu có yêu cầu nuôi con, chia tài sản thì đơn ly hôn có thể đặt “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” hoặc “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và chia tài sản”.
Thứ hai, cơ quan tiếp nhận đơn
Cần ghi rõ tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì Tòa án cấp tỉnh/thành phố là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Thứ ba, thông tin của vợ, chồng
Cần ghi rõ họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, địa chỉ hộ khẩu thường trú và địa chỉ chỗ ở hiện tại, số điện thoại của người vợ và người chồng. Những thông tin này cần phải thật rõ ràng, chính xác để Toà án thông báo khi cần thiết trong quá trình tiếp nhận, xử lý.
Thứ tư, nội dung đơn ly hôn
Về quan hệ vợ chồng: Ghi rõ thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống tại đâu và hiện tại có đang chung sống cùng nhau hay không. Phần này thể hiện tình trạng hôn nhân giữa hai vợ chồng, mâu thuẫn và những nguyên nhân của mâu thuẫn.
Về con chung: Nếu rõ đã có con chung với nhau hay chưa, nếu có thì ghi rõ số con, tên tuổi, năm sinh và giới tính của con và thỏa thuận về vấn đề ai sẽ là người có quyền nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng. Nếu chưa có con chung thì ghi chưa có con chung và không yêu cầu Toà giải quyết.
Về tài sản chung: Liệt kê chi tiết những tài sản chung của hai vợ chồng và việc thỏa thuận phân chia tài sản.
Về phần vay nợ chung: Nếu không có nợ chung sẽ ghi vào trong đơn là “Không có”. Ngược lại, nếu có nợ chung thì cần thống kê đầy đủ, chi tiết số nợ chung cụ thể, thời gian trả, người cho vay, tên tài sản,…Thỏa thuận người trả nợ.
Lưu ý: Sau khi xem xét lại toàn bộ nội dung đơn, vợ chồng cần thống nhất nội dung đơn và ký tên mình vào đơn đề nghị ly hôn thuận tình. Trước khi quyết định viết đơn xin ly hôn thuận tình, cả hai đều phải suy nghĩ thấu đáo, nghiêm túc để không hối hận về quyết định của mình.
Thủ tục thuận tình ly hôn được diễn ra như thế nào?
Trình tự tiến hành thủ tục thuận tình ly hôn được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn và nộp hồ sơ
Khi muốn Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, cần soạn thảo ly hôn thuận tình và những giấy tờ như trên để nộp tại TAND cấp huyện nơi người vợ hoặc người chồng cư trú hoặc làm việc.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ, Tòa án sẽ kiểm tra. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyền của Toà án thì Tòa án sẽ thụ lý vụ việc và ra thông báo nộp tiền tạm ứng lệ phí. Khi đó cần nộp tiền tạm ứng lệ phí tại Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án.
Tiến hành mở phiên họp công khai để đưa ra một trong những quyết định như sau:
- Đình chỉ giải quyết yêu cầu khi quyết định đoàn tụ;
- Ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình;
- Lập biên bản hòa giải không thành của hai vợ chồng và thụ lý vụ án để giải quyết.