Đối tượng bảo vệ quyền sỡ hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền được pháp luật công nhận và bảo vệ bằng các quy định của pháp luật, cụ thể bằng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại phần thứ 5 Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật SHTT 2004. Vậy chủ thể nào có quyền thực hiện các biện pháp đó?
Phần 5 Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật SHTT 2004 quy định rất nhiều biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự và biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Qua các biện pháp được liệt kê trên, ta có nhận thấy hai chủ thể có thể thực hiện các biện pháp trên là: Chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ thể của quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng quyền tự bảo vệ được quy định tại Điều 198 Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật SHTT 2004 để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như: yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp: Biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự và biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ này, không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khi có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyền và nghĩa vụ phải thực hiện. Tùy thuộc vào mức độ, hành vi vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phù hợp và từng biện pháp sẽ có cơ quan có thẩm quyền khác nhau.
Ví dụ:
– Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án.
– Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. – Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Tóm lại, Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật SHTT 2004 đã quy định khá nhiều biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện bởi hai chủ thể là: chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, để bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ, cả hai chủ thể này cần phải biết quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là thế nào để thực hiện một cách tốt nhất, không vượt quá nhưng cũng không lãng phí.