Hỗ trợ, góp ý kiến có là đồng tác giả?
Trong thời đại phát triển ngày nay, với yêu cầu cao từ công chúng đối với các tác phẩm thì việc hợp tác cùng sáng tạo là cách thức được phần lớn tác giả lựa chọn. Thay vì làm việc độc lập thì việc hợp tác sẽ tạo nên những hiệu quả tích cực, đặc biệt đối với các tác phẩm như phần mềm máy tính, chương trình phát sóng,… Tuy nhiên, khi hợp tác cần lưu ý tìm hiểu các quy định về tác giả, đồng tác giả để tránh những tranh chấp phát sinh.
Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Khái niệm này được quy định tại Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009.
Các đồng tác giả cùng đầu tư lao động, tài chính và các điều kiện vật chất để sáng tạo tác phẩm là chủ sở hữu chung đối với tác phẩm và được hưởng các quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản). Những đồng tác giả hoàn toàn có thể tiến hành thủ tục đăng ký bản quyền cho nhóm tác giả đó.
Đồng tác giả có thể là đồng tác giả không thể phân chia và đồng tác giả có thể phân chia.
Tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả.”
Trong rất nhiều trường hợp ranh giới giữa tác giả và đồng tác giả rất khó phân định rõ ràng, khi hợp tác cần hiểu và có sự thỏa thuận để tránh những tranh chấp về sau.
Như vậy, đồng tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học nghệ thuật và khoa học. Những tổ chức, cá nhân làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm thì sẽ không được công nhận là đồng tác giả.