Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền ngày nay
Mục lục
Hiện nay, tình trạng xâm phạm bản quyền đang diễn ra một cách tràn lan, dưới nhiều hình thức khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ tư vấn cho các bạn cách nhận diện hành vi xâm phạm bản quyền, những hành vi được xác định là hành vi xâm phạm và cách để bảo vệ bản quyền tác phẩm khi có hành vi vi phạm xảy ra.
1. Bản quyền được hiểu như thế nào cho đúng?
Bản quyền tức là quyền tác giả của tác giả, chủ sở hữu đối với tác phẩm. Cụ thể là quyền về nhân thân của tác giả và quyền về tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm kể từ khi một tác phẩm được tạo ra và được thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định mà không cần phải tiến hành quy trình các bước đăng ký bảo hộ độc quyền bản quyền tại Cục bản quyền tác giả. Kể từ thời điểm tạo ra tác phẩm và được thể hiện dưới một dạng nhất định thì bạn đã có thể yêu cầu các chủ thể khác ngừng các hành vi xâm phạm tới quyền, lợi ích của bạn.
Để bảo hộ bản quyền một cách tối ưu thì bạn cần thực hiện đăng ký bản quyền – Đây là một thủ tục hành chính, khi đó tác giả/chủ sở hữu tác phẩm sẽ nộp 01 hồ sơ giấy tờ đăng ký bảo hộ đến Cục bản quyền tác giả để được cấp Giấy chứng nhận.
2. Khi nào được xem là xâm phạm bản quyền?
Để xác định một hành vi có phải đang xâm phạm bản quyền của cá nhân, tổ chức khác hay không thì cần căn cứ đủ trên 4 yếu tố sau đây:
- Đối tượng bị xem xét phải thuộc phạm vi đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả: Đối tượng bị xem xét được hiểu là đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Đối tượng đang được bảo hộ được xác định bằng cách xem xét chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền tác giả;
- Đối tượng bị xem xét có yếu tố xâm phạm quyền tác giả: Yếu tố xâm phạm ở đây được hiểu là yếu tố xuất hiện khi có hành vi vi phạm quyền tác giả;
- Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ sở hữu, cũng không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép;
- Hành vi bị xem xét xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam: Nếu hành vi này không xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh. Hành vi bị xem xét bắt buộc phải xảy ra tại nước Việt Nam, nếu xảy ra tại nước khác thì không được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
3. Liệt kê hành vi xâm phạm bản quyền?
Hành vi xâm phạm bản quyền gồm các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả,…cụ thể theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2022, những hành vi xâm phạm gồm:
- Chiếm đoạt bản quyền tác phẩm;
- Mạo danh tác giả tác phẩm;
- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được sự cho phép:
- Sửa chữa tác phẩm, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến tác giả;
- Sao chép tác phẩm khi chưa được cho phép;
- Làm tác phẩm phái sinh khi chưa được cho phép;
- Sử dụng tác phẩm khi chưa được cho phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, tiền thù lao hay bất kỳ quyền lợi vật chất khác;
- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền…
4. Thực hiện biện pháp bảo vệ bản quyền như thế nào?
Khi phát hiện tác phẩm bị xâm phạm bản quyền thì chủ sở hữu tác phẩm có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm;
- Yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm: tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Khi cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính;
- Khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.