Tòa án có giải quyết khi ly hôn đơn phương vắng mặt
Mục lục
Ly hôn đơn phương vắng mặt được hiểu như thế nào? Nguyên tắc xử lý khi ly hôn vắng người chồng hoặc người vợ như thế nào? Thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên được diễn ra như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, mời các bạn cùng theo dõi bài tư vấn dưới đây của Văn phòng đăng ký bản quyền. Mong rằng bài tư vấn của Văn phòng sẽ hỗ trợ được cho các bạn.
Ly hôn đơn phương vắng mặt là gì?
Ly hôn đơn phương vắng mặt là việc một bên đương sự không có mặt tại phiên tòa để cùng tiến hành giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên người chồng hoặc người vợ. Giải quyết ly hôn vắng mặt sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải tiến hành hòa giải giữa các đương sự. Nếu Tòa án nhân dân đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà chồng/ vợ vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được (căn cứ Khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Tòa án nhân dân tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Như vậy, khi người vợ hoặc người chồng vắng mặt và không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của bị đơn.
Hồ sơ ly hôn đơn phương vắng mặt cần những gì?
Người nộp đơn yêu cầu ly hôn đơn phương cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
- Đơn yêu cầu ly hôn đơn phương theo mẫu;
- Bản chính Giấy đăng ký kết hôn;
- Bản sao y công chứng chứng thực chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng; sổ hộ khẩu của gia đình;
- Bản sao y công chứng chứng thực giấy khai sinh của con nếu có con chung;
- Nếu hai vợ chồng có tài sản chung và yêu cầu phân chia tài sản chung khi ly hôn thì chuẩn bị giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Quy trình các bước ly hôn đơn phương vắng mặt diễn ra như thế nào?
Thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương vắng mặt sẽ thực hiện theo thủ tục của một vụ án dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn đơn phương đến Tòa án có thẩm quyền.
Nộp hồ sơ ly hôn đơn phương như trên cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết ly hôn (tham khảo Khoản 1, 2 Điều 35; điểm a, b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)
Bước 2: Tòa án nhân dân xem xét đơn ly hôn
Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu ly hôn, Tòa án nhân dân phải xem xét có thụ lý đơn hay không sau 05 ngày làm việc.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng yêu cầu ly hôn đơn phương
Người nộp hồ sơ ly hôn cần nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai cho Tòa án.
Bước 4: Tiến hành hòa giải
Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm năm 2014, hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ ly hôn đơn phương ra xét xử.
Khi Tòa án đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà chồng/ vợ vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được. Tòa án nhân dân tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Bước 5: Ra bản án ly hôn
Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.