Thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập
Mục lục
Công ty, doanh nghiệp mới thành lập sẽ rất cần vốn để vận hành. Và nguồn vốn vay từ ngân hàng luôn là giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn. Vậy thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập như thế nào? Cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời cụ thể cho vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập
Doanh nghiệp mới thành lập hoàn toàn có thể vay vốn tại ngân hàng để khởi đầu công việc kinh doanh. Chỉ cần có Giấy phép kinh doanh chứng minh tính hợp pháp của tổ chức thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận các gói vay vốn từ ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập vay vốn. Bởi vì không phải doanh nghiệp nào sau khi được đầu tư cũng kinh doanh thuận lợi và có lời để trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng cung cấp gói vay cho doanh nghiệp mới thành lập cũng đề ra những điều kiện khác nhau với Khách hàng của mình. Tuy nhiên, yêu cầu chung được các Ngân hàng đặt ra là:
- Doanh nghiệp có giấy phép đăng ký kinh doanh;
- Người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp (người đi vay) phải thuộc độ tuổi 25 – 65;
- Doanh nghiệp và người đại diện doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt; trong quá khứ và hiện tại không có nợ xấu;
- Doanh nghiệp phải chứng minh được doanh thu hiện tại (thông qua báo cáo tài chính) để chứng minh được khả năng trả nợ;
- Các điều kiện khác do ngân hàng quy định.
Dựa trên những yêu cầu mà Ngân hàng đưa ra, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ phù hợp để chứng minh công ty đáp ứng yêu cầu vay vốn tại Ngân hàng. Sau khi nhận được hồ sơ, chuyên viên Ngân hàng sẽ kiểm tra tính chính xác, tính hợp lệ của hồ sơ và kiểm tra có đáp ứng gói hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập không. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, Ngân hàng sẽ nhận hồ sơ để ghi nhận thông tin và tiến hành các bước cho vay vốn. Ngược lại, nếu hồ sơ không đáp ứng nhu cầu thì sẽ bị trả hồ sơ.
2. Hình thức vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập
Ngân hàng cung cấp dịch vụ vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập với 2 hình thức:
- Vay thế chấp: Đây là hình thức vay vốn sử dụng tài sản đảm bảo để thế chấp, yêu cầu doanh nghiệp chứng minh nguồn gốc của tài sản, có số vốn điều lệ nhất định, đã hoạt động trong một thời gian cụ thể (thường là trên 3 năm) và có lợi nhuận;
- Vay tín chấp: Đây là hình thức vay vốn dựa trên uy tín của doanh nghiệp và người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, không cần tài sản đảm bảo mà chỉ cần giấy phép kinh doanh và đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Tùy vào nhu cầu, mục đích vay vốn và khả năng trả nợ, doanh nghiệp có thể chọn lựa hình thức vay vốn sao cho phù hợp.
3. Hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp mới thành lập
Nhà nước Việt Nam cũng đưa ra những đề xuất để Ngân hàng nhà nước đưa ra thêm nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong vấn đề vay vốn. Các thủ tục vay cần được thực hiện đơn giản hóa hơn, có thêm nhiều các gói, quỹ tín dụng cũng các quỹ giúp đỡ doanh nghiệp mới thành lập. Cùng với đó là các chính sách đầu tư hỗ trợ vay vốn, ươm mầm, kỹ thuật cho doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thêm quỹ đầu tư doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, các ngân hàng đã cho các doanh nghiệp mới thành lập được vay tín chấp. Đây là hình thức vay tài chính không cần có tài sản đảm bảo, giúp bổ sung thêm nguồn vốn lưu động. Tất cả những gì các bạn cần là cung cấp Giấy phép kinh doanh, hồ sơ tài chính và các loại hồ sơ khác theo yêu cầu của ngân hàng để làm thủ tục vay vốn.
Hạn mức và lãi suất cho vay doanh nghiệp mới thành lập cũng khác nhau ở từng ngân hàng, từng hình thức vay vốn và từng gói vay được cung cấp. Nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, nhưng yêu cầu số tiền vay tối thiểu khá lớn, vượt quá nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Một số ngân hàng khác lại đưa ra lãi suất khá cao, đồng thời lại hạn chế hạn mức cho vay.
Vì thế, để đảm bảo khoản vay phù hợp với nhu cầu, mục đích và khả năng chi trả, doanh nghiệp cần tìm hiểu chính xác lãi suất và hạn mức cho vay của các ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên chú ý đến các loại phí đi kèm để tránh bị tốn kém quá mức dự kiến.