Thực trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính hiện nay
Hơn một nửa số người dùng máy tính cá nhân trên thế giới, chính xác là 57% thừa nhận có hành vi vi phạm bản quyền phần mềm máy tính.Trong số này, 31% cho biết vi phạm “thường xuyên”, “phần lớn thời gian” hay “thỉnh thoảng”, cộng với 26% thừa nhận có vi phạm, nhưng chỉ “ít khi”.
Ở Việt Nam, thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính hiện nay vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến là dưới các hình thức sau:
- Kinh doanh các bản sao trái phép các loại chương trình máy tính được thực hiện ngang nhiên và rộng rãi, đặc biệt là các công ty buôn bán máy tính sao chép sẵn các chương trình trên đĩa cứng bán cho khách hay cài đặt miễn phí cho các mạng máy tính được cung cấp theo hợp đồng và các cửa hàng kinh doanh đĩa vi tính trực tiếp thực hiện sao chép và bán bất cứ chương trình máy tính nào theo yêu cầu của khách hàng.
- Sao chép, phổ biến trái phép các phần mềm máy tính như các chương tình ứng dụng, trò chơi vi tính của các chủ sở hữu trong nước cũng như nước ngoài không nhằm mục đích kinh doanh diễn ra rộng rãi, công khai và được coi là chuyện bình thường
- Phần lớn các tổ chức, công ty của nước ta hiện nay sử dụng các phần mềm máy tính không có li-xăng trong hoạt động, sản xuất và kinh doanh của mình
- Nhiều công ty, tổ chức xây dựng phần mềm vi phạm bản quyền hoặc sử dụng bí mật thương mại cùng nhân viên của các tổ chức khác, nhất là cải biên, chuyển thể hay sao chép phần quan trọng các chương trình của nước ngoài và sử dụng các chương trình công cụ không có li-xăng.
Trong thực tế thường ngày khi xây dựng, khai thác và sử dụng phần mềm máy tính thường xẩy ra các tình huống tranh chấp sau:
- Tranh chấp về quyền tác giả giữa các nhân viên lập trình và công ty phần mềm, về quyền đứng tên, nhận giải thưởng, quyền sở hữu, quyền cho phép chỉnh sửa, nâng cấp chương trình;
- Một cựu nhân viên làm thuê có thể sử dụng những gì thuộc các chương trình máy tính hay tài liệu của chủ cũ? Người cựu nhân viên đó có được phép xây dựng một chương trình máy tính thực hiện các chức năng như chương trình mà anh ta đã viết cho chủ cũ?
- Các sản phẩm phần mềm máy tính được xây dựng bằng các chương trình công cụ như MS Windows, MS Visual Studio, AutoCAD, Corel DRAW… không hợp pháp có bản quyền hay không?
- Phạm vi bảo hộ đến đâu? Những đối tượng nào như hiển thị trên màn hình, cấu trúc chương trình và file, hệ thống bảng chọn lệnh, các biểu tượng … được bảo hộ?
- Có thể phân tích ngược (reverse analysis) hay không một chương trình máy tính để tìm hiểu cách nó làm việc hay tương tác với các chương trình khác hoặc với phần cứng của máy tính? Thông tin nhận được có thể sử dụng để thiết kế chương trình máy tính mới hay không?
Các vi phạm diễn ra không chỉ đối với các phần mềm của nước ngoài mà còn đối với rất nhiều phần mềm máy tính của các chủ thể trong nước. Nhiều vi phạm đã bị xử lý hành chính và nhiều tranh chấp đã được khiếu nại lên các cơ quan chức năng và khiếu kiện ra tòa án. Thức trạng này đang cản trở sự phát triển công nghiệp phần mềm trong nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Trong khi đó vấn đề quản lý và các quy định pháp lý về bảo hộ phần mềm máy tính ở nước ta còn nhiều bất cập gây cản trở cho việc thực thi quyền.