Thủ tục đăng ký thương hiệu cá nhân diễn ra như thế nào?
Mục lục
Đăng ký thương hiệu cá nhân là hành vi của một cá nhân khi tiến hành việc nộp đơn đăng ký thương hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ. Việc làm này đóng vai trò rất lớn cho chủ thể thực hiện trong quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, do phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ cũng như trải qua quy trình tương đối phức tạp nên đây vẫn còn là một vấn đề khó đối với nhiều người. Vậy thủ tục đăng ký này được thực hiện như thế nào?
1. Đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân đem lại lợi ích gì?
Đăng ký thương hiệu cho những sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính cá nhân đó. Cụ thể như sau:
- Xác lập quyền sở hữu của mình lên chính thương hiệu cá nhân đó.
- Được pháp luật công nhận và bảo hộ. Thời hạn kéo dài đến 10 năm và có thể gia hạn không giới hạn số lần đối với nhãn hiệu.
- Ngăn ngừa và phòng tránh mọi hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể thực hiện việc đăng ký, đặc biệt là vấn đề sao chép, đạo nhái.
- Khi thực hiện việc đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền, cá nhân đó được phép chuyển nhượng, góp vốn cho người khác như một loại tài sản thông thường.
2. Hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân bao gồm tài liệu gì?
Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân, chuẩn bị hồ sơ là điều không thể thiếu. Theo đó, hồ sơ cần có những tài liệu như sau:
- Tờ khai đăng ký thương hiệu cá nhân. Trong tờ khai phải có chứa nội dung về mẫu nhãn hiệu, mô tả mẫu nhãn hiệu, thông tin về số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký,…Bên cạnh đó cần điền đầy đủ thông tin như địa chỉ, tên chủ đơn theo CMND/ CCCD còn thời hạn sử dụng.
- Mẫu nhãn hiệu, thương hiệu.
- Giấy uỷ quyền trong trường hợp cá nhân đó nộp qua Đại diện sở hữu công nghiệp và uỷ quyền cho cơ quan đó thay mình tiến hành các thủ tục đăng ký về bảo hộ thương hiệu cá nhân.
3. Thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân
Để đăng ký quyền sở hữu thương hiệu cho cá nhân, người thực hiện thủ tục này sẽ tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Tra cứu thương hiệu trước khi nộp đơn
Tra cứu thương hiệu trước khi nộp đơn đóng vai trò rất quan trọng cho các chủ thể khi thực hiện quá trình đăng ký. Điều này tương tự như việc đánh giá khả năng bảo hộ logo, xem xét và xác định xem logo cũng như thương hiệu cá nhân mình có bị trùng, nhầm lẫn với thương hiệu khác của chủ sở hữu nào đó đã đăng ký hay không. Nếu có, người đăng ký buộc phải thiết kế lại thương hiệu cá nhân mình thì mới đáp ứng được điều kiện cho các tiêu chí về sau.
Bước 2: Soạn thảo hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân
Sau khi xem xét và tra cứu nhãn hiệu có khả năng đăng ký và nhận thấy không bị trùng lặp hay có các chi tiết nhầm lẫn, người thực hiện công việc này sẽ tiến hành soạn thảo hồ sơ. Hồ sơ đăng ký bao gồm những tài liệu như đã nêu ở trên.
Bước 3: Nộp hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ
Với những tài liệu đã chuẩn bị, người đăng ký sẽ nộp đơn đến Cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết yêu cầu của mình. Cụ thể, trong trường hợp đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân thì hồ sơ sẽ được nộp đến Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Bước 4: Theo dõi quá trình thẩm định và nhận kết quả
Sau khi nộp đơn và được tiếp nhận, cá nhân thực hiện việc đăng ký sẽ theo dõi quá trình thẩm định đơn của Cục Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành giải quyết yêu cầu qua 03 giai đoạn thẩm định như sau:
- Thẩm định về hình thức đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân. Tại đây, Cục sẽ xem xét và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ. Thời gian diễn ra trong khoảng từ 1 – 2 tháng sau khi tiếp nhận đơn.
- Đăng công báo công bố đơn đăng ký. Thời gian thực hiện từ 1 – 2 tháng sau khi có công văn chấp nhận về giai đoạn hình thức.
- Xét nghiệm nội dung đăng ký logo. Thời gian này khá dài, khoảng 20 tháng sau khi đăng công báo.
Trong trường hợp đơn của cá nhân đã đáp ứng đủ yêu cầu về bảo hộ, Cục sẽ thông báo đến người nộp đơn. Theo đó, cá nhân này thực hiện việc nộp phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký logo, thương hiệu, thường trong khoảng 1 – 2 tháng sau khi có thông báo về nội dung. Cuối cùng, chủ sở hữu thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu cá nhân.
4. Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu cá nhân
Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu cá nhân sẽ có thời hạn tương đối dài. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiệu lực của loại giấy chứng nhận này là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký. Trong vòng 6 tháng trước hoặc sau khi giấy chứng nhận hết hạn, chủ sở hữu vẫn có thể thực hiện thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ. Thời gian duy trì sẽ có thêm khoảng 10 năm nữa.