Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu
Mục lục
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, bảo hộ thương hiệu là thủ tục hành chính đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Đồng thời pháp luật sẽ ngăn chặn các hành vi xâm phạm của bên thứ ba. Vậy thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu gồm các bước như thế nào?
1. Đăng ký bảo hộ thương hiệu là gì?
Đây là việc không bắt buộc nhưng là thủ tục quan trọng mà cá nhân, tổ chức cần thực hiện để hợp pháp hóa quyền sở hữu thương hiệu và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời được pháp luật bảo vệ nhãn hiệu khi có tranh chấp và xâm phạm về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra việc đăng ký trên còn giúp gia tăng niềm tin và mở rộng độ nhận diện thương hiệu với khách hàng.
2. Hồ sơ đăng ký bảo hộ cho thương hiệu
Để đăng ký bảo hộ cho thương hiệu, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ:
- Tờ khai đăng ký thương hiệu gồm 2 bản: 1 bản Cục Sở hữu trí tuệ lưu để thực hiện thủ tục, 1 bản còn lại sẽ được đóng dấu, dán mã vạch và trả lại cho người nộp đơn.
- Mẫu thương hiệu đăng ký: Ưu tiên lựa chọn mẫu thương hiệu đang sử dụng trong kinh doanh.
- Tài liệu liên quan chứng minh quyền sử dụng.
Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bạn cần xác định rõ phạm vi thương hiệu sử dụng cho dịch vụ, sản phẩm nào của mình trong tương lai để hạn chế các chi phí phát sinh. Bên cạnh đó, một công ty có thể đăng ký bảo hộ nhiều thương hiệu khác nhau và pháp luật không có quy định giới hạn.
3. Các bước đăng ký đầy đủ việc bảo hộ thương hiệu
Bước 1: Tra cứu thương hiệu
Trước khi nộp đơn đăng ký, người nộp đơn nên tiến hành tra cứu thương hiệu trên dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Tra cứu xem có bị trùng và căn cứ để đánh giá thương hiệu của mình có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ hay không.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ
Sau khi tra cứu, bạn có thể nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ ở Thủ đô Hà Nội hoặc văn phòng đại diện của Cục tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Khi nộp đơn đăng ký thương hiệu Cục sẽ cấp số nhận đơn và ghi nhận ngày nộp đơn của thương hiệu. Số đơn và ngày nộp đơn là cơ sở pháp lý để xác định đơn hợp lệ và ngày ưu tiên của đơn đăng ký thương hiệu. Bạn có thể theo dõi tiến trình đơn thông qua số đơn và ngày nộp đơn.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn và ra thông báo kết quả
Trong khoảng từ 1 đến 2 tháng Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn và ra thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức. Quá trình này sẽ kiểm tra xem đơn đã khai đúng, đầy đủ thông tin và nhóm đăng ký bảo hộ cũng như tư cách pháp lý của chủ đơn hay không.
Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ công bố đơn đăng ký thương hiệu
Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký thương hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời gian 2 tháng tính từ ngày có thông báo kết quả xét nghiệm đơn đăng ký hợp lệ hình thức.
Bước 5: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn
Thời gian thẩm định kéo dài từ 9 đến 12 tháng. Mục đích nhằm đánh giá khả năng được bảo hộ của thương hiệu và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 6: Thông báo kết quả cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu
Nếu văn bằng bảo hộ được cấp, người nộp đơn cần đóng phí cấp văn bằng trong thời hạn khoảng 2 tháng sẽ nhận được văn bằng bảo hộ. Trường hợp bị từ chối cấp bằng mà chủ đơn thấy không thỏa đáng, còn vướng mắc có thể làm thủ tục phúc đáp với Cục Sở hữu trí tuệ để trao đổi khả năng cấp bằng của mình.
4. Một số lưu ý quan trọng bạn cần biết
Theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đều có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ cho thương hiệu của mình. Trong đó gồm cả các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hoặc nước ngoài. Sau khi nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ phải sử dụng liên tiếp trong 5 năm liền tiếp theo. Trường hợp vi phạm các chủ thể khác có quyền được hủy bỏ hiệu lực văn bản bảo hộ.
Điều kiện để được đăng ký bảo hộ là thương hiệu không được trùng lặp, tương tự với thương hiệu đã đăng ký trước đó tại Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, thương hiệu không được hình thành từ chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, không mô tả trực tiếp dịch vụ, sản phẩm mình cung cấp, không phải các dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất,…
Nếu bạn không quá hiểu rõ về quá trình đăng ký bảo hộ thương hiệu thì nên tìm kiếm một đơn vị thay bạn thực hiện các thủ tục này. Văn phòng đăng ký bản quyền là nơi chuyên thực hiện hỗ trợ đăng ký các thủ tục liên quan đến vấn đề bản quyền thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm,…