Cách bảo vệ kịch bản chương trình theo quy định pháp luật hiện hành
Mục lục
Kịch bản chương trình là tổng hợp các yếu tố cần thiết để xây dựng bất kỳ một loại hình chương trình hoàn chỉnh nào. Do đó, các tác giả, nhà sản xuất, chủ sở hữu chương trình đều tập trung nguồn lực để có thể bảo vệ cho kịch bản của mình không bị các hành vi xâm phạm làm tổn hại, hoặc thậm chí là bị “cướp trắng” kịch bản. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu về các quy định pháp lý bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Bản quyền kịch bản chương trình là gì?
Bản quyền kịch bản chương trình bao gồm các quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, biên kịch, chủ sở hữu đối với kịch bản của mình.
Quyền nhân thân đối với kịch bản
Tương tự như với các loại hình tác phẩm là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả khác, tác giả, biên kịch sáng tác kịch bản chương trình cũng sẽ được sở hữu các quyền nhân thân theo quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
“1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.”
Quyền tài sản đối với kịch bản
Quyền tài sản thường đi liền với tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của kịch bản chương trình, những quyền này được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm: Làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
Tại sao cần bảo hộ kịch bản chương trình?
Kịch bản chương trình là chất liệu nền đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình sản xuất ra bất kỳ một chương trình cụ thể của bất kỳ lĩnh vực nào. Việc đăng ký bảo hộ kịch bản giúp bạn có thể:
- An tâm sử dụng, khai thác kịch bản của mình để hoàn thiện chương trình
- Được quyền áp dụng các biện pháp bảo hộ mà pháp luật cho phép để bảo vệ kịch bản khi phát hiện ra hành vi xâm phạm
- Đăng ký bản quyền cho kịch bản thành công, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây là tài liệu pháp lý quan trọng chứng minh quyền sở hữu của bạn đối với kịch bản của mình. Thông qua giấy chứng nhận, bạn có thể thực hiện các hợp đồng thương mại chuyển quyền sử dụng, cấp quyền sử dụng kịch bản cho tổ chức, cá nhân khác khi có nhu cầu.
Thủ tục đăng ký bảo hộ kịch bản chương trình
Bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ kịch bản chương trình của mình tương tự như bảo hộ tác phẩm văn học. Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, bạn phải nộp hồ sơ đến Cục Bản quyền hoặc các địa điểm tiếp nhận đơn hợp lệ khác của Cục Bản quyền.
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả cho kịch bản
Đối với hồ sơ đăng ký bản quyền kịch bản, bạn có thể chuẩn bị một số tài liệu theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả
- 02 bản sao tác phẩm thể hiện kịch bản của chương trình cần đăng ký quyền tác giả
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Tài liệu chứng minh quyền sở hữu của tác phẩm kịch bản
- Cam kết của tác giả sáng tạo ra kịch bản
Các địa điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản quyền hợp lệ
Bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký kịch bản chương trình của mình đến các địa chỉ dưới đây:
- Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội. ĐT: 024.38 234 304.
- Tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 028.39 308 086
- Tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. ĐT: 023.63 606 967