Thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm mới nhất 2023
Mục lục
Doanh nghiệp muốn “đánh dấu” sản phẩm của mình trên thị trường nhưng chưa biết cách đăng ký mã vạch như thế nào. Việc đăng ký có bắt buộc hay không? Trình tự thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
1. Đăng ký mã vạch sản phẩm là gì?
Trước khi tìm hiểu cụ thể về thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm, chúng ta cần làm rõ thế nào là đăng ký mã vạch sản phẩm. Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 15/2015/VBHN-BKHCN về mã số và mã vạch sản phẩm như sau:
“1. Mã số là một dãy các chữ số dùng để phân định vật phẩm, địa điểm, tổ chức.
2. Mã vạch là một dãy các vạch thẫm song song và các khoảng trống xen kẽ để thể hiện mã số sao cho máy quét có thể đọc được”.
Theo quy định trên chúng ta có thể rút ra kết luận: Mã số mã vạch là một dãy các chữ số và vạch kẻ song song gắn trên các hàng hóa.
Như vậy, đăng ký mã vạch sản phẩm được hiểu đơn giản là thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số mã vạch. Sau đó doanh nghiệp sẽ in mã vạch đó và dán trên từng sản phẩm.
2. Có bắt buộc phải đăng ký mã vạch sản phẩm hay không?
Theo các quy định pháp luật hiện hành thì không có quy định bắt buộc về việc đăng ký mã vạch sản phẩm. Từ đó, có thể hiểu doanh nghiệp có thể tự nguyện đăng ký sử dụng mã số mã vạch nếu có nhu cầu. Việc sử dụng mã số mã vạch hiện nay đem lại nhiều ưu điểm:
- Giúp bản thân doanh nghiệp có thể quản lý hàng hóa một cách thuận tiện và dễ dàng.
- Thuận tiện trong việc kiểm tra của các cơ quan nhà nước khi có yêu cầu.
- Tiết kiệm được nguồn nhân lực và thời gian trong việc kiểm kê hàng hóa.
Các bạn cần lưu ý rằng mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc phải đăng ký mã số mã vạch. Tuy nhiên, nếu như tự ý sử dụng mã số mã vạch mà chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt hành chính.
3. Thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm như thế nào?
3.1. Chuẩn bị hồ sơ
Trước tiên bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BKHCN 2015. Theo đó, hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Bản đăng ký sử dụng mã số mã vạch theo mẫu (Phụ lục I kèm theo văn bản này) (02 bản)
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu như đó là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại hoặc bản sao Quyết định thành lập đối với các tổ chức khác (01 bản)
- Bảng Đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã GTIN theo mẫu (02 bản)
3.2. Trình tự thực hiện
Trình tự thực hiện thủ tục theo quy định tại các Điều 7, 8, 9 của Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BKHCN 2015. Cụ thể:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sử dụng mã số mã vạch sản phẩm tại cơ quan được Tổng cục TCĐLCL chỉ định tiếp nhận hồ sơ hay còn gọi chung là tổ chức tiếp nhận hồ sơ.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Tổ chức tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã vạch sản phẩm lập hồ sơ đăng ký sử dụng; tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký.
- Trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (không kể ngày lễ, Tết, thứ 7, chủ nhật) tổ chức tiếp nhận hồ sơ phải chuyển hồ sơ đăng ký đến Tổng cục TCĐLCL.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch
Tổng cục TCĐLCL sẽ thẩm định hồ sơ đăng ký trong thời hạn không quá 03 ngày. Sau đó Tổng cục sẽ ra quyết định:
- Hồ sơ hợp lệ thì cấp mã số; vào sổ đăng ký, lưu vào ngân hàng mã số quốc gia và cấp Giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận sẽ được gửi cho tổ chức, doanh nghiệp trong thời hạn không quá 10 ngày.
- Hồ sơ chưa hợp lệ thì Tổng cục để bổ sung trong thời hạn nhất định.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về thủ tục đăng ký mã vạch sản phẩm để bạn đọc tham khảo. Qua bài viết giúp bạn hiểu rõ về lợi ích của việc đăng ký mã vạch, thủ tục thực hiện đăng ký sử dụng mã số mã vạch. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhé.