Pháp luật quy định ly hôn con theo ai?
Mục lục
Bên cạnh việc phân chia tài sản thì việc xác định ly hôn con theo ai cũng được quan tâm. Việc xác định con theo ai sẽ dựa vào những tiêu chí nào để quyết định? Để giúp các bạn nắm rõ vấn đề này, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ tư vấn chi tiết quy định về việc xác định ai sẽ là người có quyền nuôi dạy trực tiếp người con khi hai vợ chồng ly hôn.
1. Khi ly hôn con theo ai?
Luật Hôn nhân và gia định năm 2014 quy định về việc ly hôn con theo ai như sau:
Trường hợp 1: Khi con dưới 36 tháng tuổi
Con được giao cho mẹ nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của người con. Như vậy, khi người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con hoặc hai vợ chồng thỏa thuận người cha sẽ nuôi con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi dưỡng.
Trường hợp 2: Đối với con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên
Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Khi không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi theo nguyên tắc:
- Dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con (Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, chỗ ở, thời gian chăm sóc con…. để quyết định giao con);
- Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì cần xem xét nguyện vọng của người con.
Ngoài ra, trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ, trong đó bao gồm:
Thứ nhất, người giám hộ đương nhiên theo thứ tự sau:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ: Nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác là người giám hộ;
- Khi không có anh, chị ruột thì ông/bà nội, ông/bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ là người giám hộ;
- Khi không có người giám hộ như trên thì bác/chú/cậu/cô/dì ruột là người giám hộ.
Thứ hai, người giám hộ được cử, chỉ định:
Khi không có người giám hộ đương nhiên thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Khi có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
2. Trách nhiệm của người không được trực tiếp nuôi con?
Người không không có quyền nuôi con sau ly hôn có các quyền và nghĩa vụ đối với con như sau:
- Phải luôn luôn tôn trọng quyền lợi của con khi sống chung với người vợ, người chồng của bạn khi họ trực tiếp nuôi dạy người con;
- Cấp dưỡng cho con;
- Có quyền thăm nom người con mà không ai được phép cản trở;
- Không được lạm dụng đến thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi con của người vợ/người chồng của bạn.
3. Mức cấp dưỡng hiện nay là bao nhiêu?
Pháp luật hôn nhân và gia đình không quy định sau ly hôn phải cấp dưỡng cho con là bao nhiêu. Số tiền cấp dưỡng là sự thỏa thuận của người cấp dưỡng với người giám hộ của người con căn cứ vào:
- Thu nhập và khả năng thực tế của người phải cấp dưỡng: Tức là căn cứ vào mức thu nhập thường xuyên hoặc tài sản người phải cấp dưỡng sau khi đã trừ đi chi phí thông thường để đáp ứng nhu cầu cuộc sống cần thiết;
- Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng: Tức là mức sinh hoạt trung bình của người được cấp dưỡng theo mức sống trung bình của người dân địa phương nơi người được cấp dưỡng sống, bao gồm các chi phí cần thiết về ăn ở, mặc, học hành, khám chữa bệnh và các chi phí cần thiết khác nhằm bảo đảm cuộc sống của người được nhận tiền cấp dưỡng.