Chia tài sản khi ly hôn theo quy định
Mục lục
Ly hôn là việc chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Bên cạnh các tranh chấp liên quan đến chấm dứt quan hệ vợ chồng thì việc phân chia tài sản khi ly hôn cũng đang phát sinh nhiều tranh chấp. Để phân chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn, các bên cần dựa trên quy định của Luật Hôn nhân và gia đình để xác định cụ thể đâu là tài sản chung và đâu là tài sản riêng để làm căn cứ phân chia khi ly hôn.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như thế nào?
Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận với nhau; nếu như không thể thoả thuận được hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì Toà án có thẩm quyền giải quyết khi được yêu cầu. Việc chia tài sản khi ly hôn được thực hiện theo nguyên tắc như sau (tham khảo Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014):
Thứ nhất, tài sản riêng
Tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của bên nào thì vẫn sẽ thuộc quyền sở hữu của bên đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Thứ hai, tài sản chung
Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng sẽ được tiến hành chia đôi nhưng có xem xét dựa trên các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và hoàn cảnh của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của từng người vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của người vợ, người chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của người vợ, người chồng trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung khi ly hôn của vợ chồng sẽ được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì bắt buộc phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Quy trình phân chia tài sản khi ly hôn thuận tình ra sao?
Các bước phân chia tài sản khi ly hôn thuận tình được diễn ra như sau:
Bước 1: Thỏa thuận
Các bên thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng con cái trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ thuận tình ly hôn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú hoặc làm việc.
Bước 3: Thụ lý đơn ly hôn
Sau tiếp nhận đơn yêu cầu thuận tình ly hôn, nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Hòa giải
Phải hòa giải mâu thuẫn giữa hai vợ chồng tại Tòa án trước khi đưa vụ việc ra xét xử. Và ra quyết định:
- Đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn khi hai vợ chồng quyết định đoàn tụ;
- Công nhận thuận tình ly hôn và phân chia tài sản theo thỏa thuận của hai vợ chồng;
- Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và tiến hành thụ lý vụ án để giải quyết.
Các bước phân chia tài sản khi ly hôn đơn phương?
Các bước phân chia tài sản khi ly hôn đơn phương được diễn ra như sau:
Bước 1: Nộp đơn ly hôn
Nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn đơn phương đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc.
Bước 2: Thụ lý đơn ly hôn
Nếu hồ sơ hợp lệ, Tòa án gửi thông báo yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí. Và tiến hành thụ lý khi nhận được biên lai đóng tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Hòa giải
Phải hòa giải mâu thuẫn giữa hai vợ chồng tại Tòa án trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải mâu thuẫn thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày không thay đổi ý kiến thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành công. Nếu hòa giải mâu thuẫn không thành công, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử .
Bước 4: Phiên tòa sơ thẩm
Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ gửi giấy triệu tập và thông báo mở phiên Tòa sơ thẩm để tiến hành giải quyết ly hôn, phân chia tài sản, nuôi dưỡng con cái.