Mẫu đơn thuận tình ly hôn năm 2023
Mục lục
Khi hai vợ chồng tự nguyện ly hôn thì có thể làm đơn thuận tình ly hôn gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Để có thể chuẩn bị hồ sơ ly hôn hoàn chỉnh nhất, bạn có thể tham khảo mẫu đơn thuận tình ly hôn trong bài viết dưới đây.
Điều kiện thuận tình ly hôn
Khi vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ công nhận thuận tình ly hôn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Hai bên thật sự tự nguyện ly hôn;
- Đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn?
Các chủ thể có quyền yêu cầu ly hôn gồm:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Lưu ý: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Mẫu đơn thuận tình ly hôn
Tải mẫu đơn xin thuận tình ly hôn: Tại đây.
Cách viết đơn xin thuận tình ly hôn
Đơn thuận tình ly hôn gồm những nội dung cơ bản sau:
Tên đơn:
Trường hợp vợ chồng chỉ yêu cầu ly hôn mà không yêu cầu giải quyết về mặt tài sản, con cái thì chỉ cần để tên “Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn”.
Nếu có các yêu cầu khác như vấn đề nuôi con, chia tài sản thì đơn ly hôn có thể viết như sau:
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và nuôi con khi ly hôn.
- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và chia tài sản.
Kính gửi: Người viết đơn cần ghi rõ tên cơ quan nhận đơn như Tòa Án nhân dân huyện A, Trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì Tòa án cấp tỉnh/thành phố là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
Về thông tin cá nhân của vợ, chồng: Bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/ CCCD, địa chỉ hộ khẩu thường trú và địa chỉ chỗ ở hiện tại, số điện thoại của mỗi người, các thông tin này cần phải chính xác để trong quá trình tiếp nhận, xử lý Toà còn thông báo với vợ, chồng.
Nội dung đơn: Ghi rõ thông tin thời gian kết hôn và chung sống, địa điểm chung sống và có đang chung sống cùng nhau hay không… Chúng tôi làm đơn này đề nghị Tòa án nhân dân giải quyết việc ly hôn thuận tình, chấm dứt tình trạng hôn nhân như hiện nay, cụ thể:
- Về con chung: Trường hợp vợ chồng đã có con chung với nhau thì ghi rõ số con, tên tuổi, năm sinh và giới tính của con, thỏa thuận ai sẽ là người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng.
Nếu vợ chồng kết hôn mà chưa có con thì ghi chưa có con chung và không yêu cầu Toà giải quyết.
- Về tài sản chung: Liệt kê tài sản chung của vợ chồng và việc thỏa thuận phân chia tài sản như thế nào khi ly hôn.
- Về nhà ở: Nếu có nhà thì vợ chồng thỏa thuận với nhau ai là người được ở, còn không có nhà thì ghi không có.
- Về phần vay nợ chung : Nếu không có nợ chung thì ghi vào trong đơn là “Không có”, Nếu có nợ chung thì cần liệt kê đầy đủ, chi tiết số nợ chung, thời gian trả cụ thể, chủ nợ, tên tài sản,…và thỏa thuận người trả nợ.
Sau khi xem xét lại toàn bộ nội dung đơn, vợ chồng cần thống nhất nội dung đơn và ký tên vào đơn đề nghị thuận tình ly hôn.