Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ trong bao lâu?
Mục lục
Kiểu dáng công nghiệp là tài sản sở hữu công nghiệp vô cùng quan trọng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại. Để phát triển, sáng tạo kiểu dáng phù hợp với thị hiếu, kết nối được với người sử dụng, đòi hỏi các nhà sản xuất phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức, chất xám vào khâu thiết kế. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những đối tượng rất dễ bị xâm hại bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.”. Có thể hiểu kiểu dáng công nghiệp đơn giản là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, không tính đến các yếu tố cấu trúc bên trong, kỹ thuật hãy chức năng của sản phẩm.
Kiểu dáng công nghiệp được xếp vào loại quyền sở hữu công nghiệp và có căn cứ phát sinh được hướng dẫn cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;…”
Hướng dẫn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp, bạn cần nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ hợp lệ đến Cục Sở hữu trí tuệ để được xét duyệt và cấp văn bằng.
Điều kiện để kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ
Kiểu dáng công nghiệp của bạn cần đáp ứng được đủ 03 điều kiện sau để được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
- Có tính mới
- Có tính sáng tạo
- Có khả năng áp dụng công nghiệp
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với đối tượng kiểu dáng công nghiệp yêu cầu các tài liệu sau:
- Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp thực hiện theo mẫu số 03-KDCN Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
- Phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thoả ước Locarno).
- Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp
- 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp: phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ. Kích thước của kiểu dáng công nghiệp trong ảnh chụp, bản vẽ không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.
- Giấy ủy quyền nếu nộp đơn thông qua đại diện ủy quyền
- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký
- Chứng từ nộp phí, lệ phí
Thời hạn bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp
Cũng tương tự như với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác, thủ tục xét duyệt bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp cũng sẽ trải qua 03 giai đoạn chính:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
- Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Sau khi vượt qua tất cả các vòng thẩm định, bạn sẽ được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.”.