Ví dụ về tác phẩm bảo hộ và tác giả tác phẩm
Không phải bất cứ tác phẩm nào do sự sáng tạo của con người cũng đều được bảo hộ. Đa số các tác phẩm được bảo hộ hiện nay đều thuộc thể loại văn học, nghệ thuật, khoa học… và những tác giả tác phẩm đó đương nhiên được có quyền tác giả.
Tác phẩm bảo hộ
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tác phẩm bảo hộ bao gồm các loại hình: Văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc kí tự khác, bài phát biểu, bài giảng, tác phẩm sân khấu, điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, mĩ thuật ứng dụng, tác phẩm kiến trúc, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, chương trình máy tính.
Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong trường hợp không gây phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để sáng tạo tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên chỉ những tác phẩm được tác giả trực tiếp sáng tạo, không sao chép từ tác phẩm khác mới thuộc loại hình được bảo hộ.
Sản phẩm không được bảo hộ
– Các tin tức thời sự chỉ mang tính chất thông tin không có tính sáng tạo, vì vậy không được bảo hộ.
– Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các cơ quan hành chính, thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của nó và các khái niệm, nguyên lí, số liệu cũng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.
Quyền tác giả tác phẩm
Tác giả là những người bằng lao động trí tuệ của mình, trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.
Những người làm các công việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn cũng được coi là tác giả của tác phẩm phái sinh này.
Trong trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp tham gia sáng tạo tác phẩm thì họ là đồng tác giả của tác phẩm.
Điều kiện tác giả tác phẩm được bảo hộ
– Là công dân Việt Nam sáng tạo tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam;
– Công dân nước ngoài sáng tạo tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam;
– Công dân nước ngoài sáng tạo tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam hoặc theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Với khái niệm trên, chỉ những người trực tiếp làm ra tác phẩm thông qua hoạt động của tư duy sáng tạo mới được coi là tác giả tác phẩm.
Những người cung cấp tư liệu, góp ý kiến cho việc sáng tạo, làm phản biện, hướng dẫn khoa học không thể là tác giả tác phẩm.
Kết quả của lao động do tư duy sáng tạo mang lại phải định hình dưới dạng vật chất nhất định trên giấy, phim nhựa, băng đĩa từ, băng đĩa la-de, gỗ, kim loại hoặc bất kì loại hình vật chất nào đã có và sẽ có trong tương lai. Pháp luật Việt Nam chỉ bảo hộ những ý tưởng về văn học, nghệ thuật và khoa học đã được hình thành bằng tác phẩm và định hình ở bất kì dạng vật chất nào.