Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ như thế nào?
Mục lục
Quyền sở hữu trí tuệ từ lâu đã khẳng định được tầm quan trọng và vai trò của nó trong đời sống xã hội hàng ngày. Trong thời đại không ngừng phát triển, hội nhập quốc tế, việc bảo vệ sản thuộc sở hữu về trí tuệ ngày càng được chú trọng, quan tâm đúng mức. Để có thể nắm rõ được các quy định pháp lý hiện hành về vấn đề bảo hộ, sử dụng, khai thác những loại quyền này, bạn có thể tham khảo ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
1. Sở hữu trí tuệ được hiểu như thế nào?
Quyền sở hữu trí tuệ theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là: “quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.”. Trong đó:
- Quyền tác giả là những quyền quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.
2. Tại sao phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình gắn liền với các sản phẩm, tác phẩm, dịch vụ, thương hiệu… khi bạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sự sáng tạo luôn là tiền đề cho sự phát triển của bất kỳ thương hiệu nào. Sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, các hành vi xâm phạm, hưởng lợi từ kết quả sáng tạo sẵn có luôn diễn ra mỗi ngày. Việc tạo ra hệ thống pháp lý vững chắc để bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng mà bạn đang sở hữu sẽ giúp bạn được độc quyền khai thác, sử dụng những lợi ích mà đối tượng này mang lại. Thông qua đó, các chủ sở hữu sẽ có thể biến loại tài sản vô hình này trở thành các giá trị hữu hình.
Ngoài ra, với nhận thức về thương hiệu ngày một sâu sắc, người tiêu dùng, khách hàng sẽ đánh giá cao các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một trong những cách thức tạo dựng niềm tin đầu tiên cho các khách hàng mới song song với việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm tốt nhất đến họ.
Trong các trường hợp không may xảy ra tranh chấp không thể tự giải quyết được, thông qua hoạt động đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ; bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống pháp lý sẵn có.
Cuối cùng, hoạt động bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng quan trọng để bạn có thể vươn ra thị trường quốc tế, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, thu lại lợi nhuận đã bỏ ra trong việc phát triển đối tượng sở hữu trí tuệ.
3. Một số giao dịch thương mại về quyền sở hữu trí tuệ
Tuy là tài sản vô hình, nhưng pháp luật vẫn cho phép các hoạt động thương mại chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Có hai loại hình thương mại thường xuyên được sử dụng nhất trong hoạt động này chính là hoạt động Li-xăng và hoạt động Nhượng quyền thương mại.
Li-xăng là hoạt động chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ mà mình đang sở hữu cho cá nhân, tổ chức khác thông qua hợp đồng hợp lệ. Hợp đồng Li-xăng được phân làm ba loại: Hợp đồng độc quyền, hợp đồng không độc quyền, hợp đồng thứ cấp. Tùy thuộc vào nhu cầu của các bên để lựa chọn loại hợp đồng với các thỏa thuận điều khoản phù hợp
Nhượng quyền thương mại hay còn được biết đến là loại hình Franchise. Hoạt động này được quy định tại Điều 284 Luật Thương mại 2005 như sau:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Trên đây là những nội dung cơ bản đối với quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động sử dụng, bảo hộ đối với loại quyền đặc biệt này. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về từng loại đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các bài phân tích chi tiết khác được đăng tải công khai ngay tại trang https://dangkybanquyen.net của chúng tôi.