Đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm năm 2022
Mục lục
Quyền tác giả đối với tác phẩm gồm quyền nhân thân và quyền tài sản, hai quyền này được pháp luật sở hữu trí tuệ quy định bảo hộ kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra và thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Để hiểu rõ hơn cơ chế bảo hộ, lý do nên đăng ký bảo hộ cũng như quy trình đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết tư vấn dưới đây của Văn phòng đăng ký bản quyền.
Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh kể từ khi nào?
Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh kể từ khi tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không phân biệt đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên, để bảo vệ tối ưu quyền lợi của bản thân, tác giả và chủ sở hữu tác phẩm nên đăng ký bảo hộ tác phẩm thuộc sở hữu của mình tại Cục bản quyền tác giả để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Lý do cần phải thực hiện đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm?
Đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm không phải là thủ tục bắt buộc nhưng lại vô cùng cần thiết và hữu ích trong thời buổi hiện nay. Cục bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ tác phẩm sau khi nhận được hồ sơ đăng ký bảo hộ đầy đủ và hợp lệ. Kể từ thời điểm nhận được văn bằng bảo hộ thì về nguyên tắc, tác giả và chủ sở hữu tác phẩm sẽ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc về mình khi có tranh chấp.
Ngược lại, nếu không đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm , khi có tranh chấp xảy ra thì bạn phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm đó. Trong nhiều trường hợp, khi mà chủ thể khác đã có Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm thì việc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm chứng minh quyền của mình là vô cùng khó khăn, đôi khi là không thể chứng minh được.
Quá trình bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm như thế nào?
Trình tự các bước đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm được diễn ra như sau:
Bước 1: Soạn thảo hồ sơ
Cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ quyền tác giả;
- Hai bản sao hợp lệ tác phẩm dự kiến đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác đại diện đăng ký bảo hộ (nếu có);
- Giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn bảo hộ quyền tác giả (nếu có);
- Giấy tờ đồng ý của đồng tác giả, nếu do nhiều tác giả cùng tạo ra tác phẩm;
- Giấy tờ đồng ý của đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả của tác phẩm thuộc sở hữu chung.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền
Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả.
Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký và hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm được yêu cầu trong đơn đăng ký. Nếu hồ sơ bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ nhận được thông báo bằng văn bản và có nêu rõ lý do.