Quyền nhân thân nào được phép chuyển nhượng?
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Quyền tác giả được phân thành hai nhóm cơ bản là quyền nhân thân và quyền tài sản.
Theo Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
– Đặt tên cho tác phẩm;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tại Khoản 2 Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền nhân thân của người biểu diễn gồm:
– Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
– Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Theo khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này”.
Như vậy, người biểu diễn sẽ không được chuyển nhượng quyền nhân thân. Tác giả được quyền chuyển nhượng quyền nhân thân cho người khác nhưng chỉ đối với quyền công bố tác phẩm, còn đối với các quyền nhân thân khác thì tác giả không thể chuyển nhượng.