Cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì tết của con
Mục lục
Lì xì Tết là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của người Việt. Cùng tìm hiểu nguồn gốc và nét đặc sắc của phong tục tiền lì xì Tết trong bài viết dưới đây. Đồng thời, bài viết sẽ trả lời câu hỏi “liệu tiền lì Tết của con thì cha mẹ có được tự ý giữ và sử dụng không?”. Hãy cùng theo dõi bài viết để nắm rõ nội dung.
1. Lì xì tết là nét văn hóa đặc sắc
Cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về thì lòng người lại xốn xang tiễn năm cũ đón năm mới với nhiều nét đẹp văn hóa ngày Tết và phong tục lì xì cũng là nét đẹp ấy. Theo truyền thống, vào sáng mùng một Tết, cả gia đình sẽ tụ họp lại với nhau để thắp hương tổ tiên và cùng nhau vui vầy ăn Tết. Trẻ con dành những lời chúc tốt đẹp đến người lớn. Còn ông bà, cha mẹ sẽ trao những phong bao lì xì đỏ cho trẻ nhỏ để lấy lộc đầu năm.
Phong tục tặng tiền lì xì Tết xuất hiện từ rất xưa tại Trung Hoa. Cứ mỗi đêm giao thừa, mọi người đều gói tiền vào giấy đỏ rồi tặng cho con cháu cầu an. Từ đó phong tục tặng tiền lì xì Tết ra đời. Ngày nay tục lì xì Tết trở nên phổ biến ở những quốc gia châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,…
Ý nghĩa của việc lì xì là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Đây cũng là dịp mà con cháu trong nhà chúc Tết đến người thân (ông bà, cha mẹ) và nhận lì xì mừng tuổi.
Ngày nay, việc mừng tuổi đã không còn giới hạn vào mùng một hay ba ngày đầu năm nữa, mà chỉ cần còn không khí Tết thì vẫn có thể lì xì. Ngoài ra tục lì xì cũng không còn giới hạn chỉ người lớn lì xì cho trẻ nhỏ nữa; mà người đã đi làm, có thu nhập cũng có thể mừng tuổi cho cha mẹ, ông bà,… Không chỉ người thân trong gia đình, tục lì xì đã mở rộng khi bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm cũng có thể lì xì lẫn nhau.
2. Cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì Tết của con có đúng luật không?
Theo Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con cái có quyền có tài sản riêng, gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác. Tiền lì xì là tiền người lớn tặng cho trẻ em trong dịp Tết nên đây là giao dịch tặng cho và số tiền này là tài sản riêng của trẻ em. Và theo Điều 76, 77 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì những trẻ em dưới 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý có thể quản lý giữ giúp tiền của trẻ em nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, với trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có thể tự mình quản lý tiền lì xì của mình.
Như vậy, hành vi cha mẹ tự ý thu giữ tiền lì xì của con là vi phạm pháp luật, bởi trẻ em có quyền về đảm bảo quyền tài sản.
3. Cha mẹ giữ tiền lì xì Tết của con sử dụng vào mục đích khác
Như đã nói ở trên, trẻ em dưới 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý có thể quản lý giữ giúp tiền của trẻ em nhưng chỉ được định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con; mà không thể tự ý lấy tiền lì xì của con phục vụ cho mục đích khác.
Theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con để phục vụ mục đích khác, sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng – 30 triệu đồng về lỗi “chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình”. Tuy nhiên, để có căn cứ xử phạt, cơ quan chức năng cần làm rõ đây có phải là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con” hay không. Bởi lẽ, nếu giữ tiền lì xì để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích và dùng chi tiêu cho con trong các hoạt động khác thì không bị phạt.
Bên cạnh đó, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của các thành viên khác trong gia đình bằng thủ đoạn gian dối, lén lút hoặc bằng vũ lực, bạo lực cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản; tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản… theo quy định của Bộ luật Hình sự năm hiện hành.