Tìm hiểu Tết Nguyên Đán tại Việt Nam
Mục lục
Tết Nguyên Đán (còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền) là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước gia khanh Đông Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, đồng thời cũng là lễ hội quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam. Mỗi mùa xuân về Tết đến, nơi nơi đều tràn ngập không khí vui tươi, hân hoan, và đầy sức sống.
1. Nguồn gốc Và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ văn hóa Đông Á, một phần của nền văn minh lúa nước. Người Đông Á đã chia thời gian trong 01 năm thành 24 tiết khí khác nhau, mỗi tiết sẽ đi kèm với một thời khắc “giao thừa”. Trong số những tiết này, tiết quan trọng nhất là Nguyên Đán. Nó đánh dấu sự khởi đầu của chu kỳ canh tác và gieo trồng mới.
Theo như các tư liệu lịch sử (sách An Nam chí lược của Lê Tắc, sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn) thì người Việt xưa thường tổ chức lễ Tết từ tháng giêng đến tháng 03 âm lịch. Lễ Tết là dịp để mọi người vẽ mình, uống rượu, dùng trầu cau, ăn dưa mắm, và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, như: đá bóng, đá cầu, đánh cờ, đấu vật.
Tết Âm lịch trong văn hóa Việt Nam không chỉ đánh dấu sự chuyển giao giữa các năm Âm lịch mà còn chứa đựng nhiều giá trị tâm linh và văn hóa đáng quý. Đây được xem là thời điểm con người tạ ơn thần linh vì một mùa vụ bội thu, và cầu mong cho một năm mới sẽ luôn thịnh vượng. Đồng thời, ngày Tết còn là thời điểm để gắn kết gia đình, mọi người sum vầy bên nhau, tưởng nhớ tổ tiên và thể hiện lòng biết ơn. Tất cả những nét độc dáo này tạo nên không khí hạnh phúc và đoàn kết, khiến Tết Nguyên Đán trở thành khoảnh khắc đáng nhớ và ý nghĩa cho mọi nhà.
2. Các phong tục đón Tết Nguyên Đán tại Việt Nam
Tại Việt Nam có rất nhiều phong tục tập quán vào ngày Tết Nguyên Đán. Những tập quán này đã được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Mỗi phong tục tập quán đều mang ý nghĩa tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn đến tổ tiên, ông bà, hoặc là để cầu may mắn cho một khởi đầu mới.
Bắt đầu từ những ngày trước Tết, mọi người thường có phong tục trở về sum họp với gia đình, dọn dẹp và trang trí nhà cửa, cúng ông Công ông Táo, đi viếng mộ, gói bánh chưng bánh tét, cúng tất niên và đón giao thừa. Qua giao thừa, hoặc ngay sáng mồng một, người dân còn có phong tục xông đất, chưng hoa, chưng mâm ngũ quả và đi chùa hái lộc, cầu bình an. Bên cạnh đó, trong suốt những ngày Tết Nguyên Đán, người thân, hàng xóm sẽ có phong tục chúc tết, hỏi thăm sức khỏe, và mừng tuổi cho nhau.
3. Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán tại Việt Nam
Ngày 22/11/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo về lịch nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2024 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Theo thông báo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2024 từ thứ Năm ngày 08/02/2024 Dương lịch (ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/02/2024 Dương lịch (ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Đợt nghỉ lễ này gồm 05 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán và 02 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019.
Đối với những người lao động không thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch 2024 và động phải thông báo phương án nghỉ tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày, cụ thể như sau:
- Lựa chọn 01 ngày cuối năm Quý Mão và 04 ngày đầu năm Giáp Thìn;
- Lựa chọn 02 ngày cuối năm Quý Mão và 03 ngày đầu năm Giáp Thìn;
- Lựa chọn 03 ngày cuối năm Quý Mão và 02 ngày đầu năm Giáp Thìn.
Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ tết thì người lao động sẽ được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo.