Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ năm 2022
Mục lục
Luật sở hữu trí tuệ được ban hành năm 2005. Để phù hợp với thực tiễn, Luật sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019. Sự ra đời của Luật sở hữu trí tuệ là bước tiến quan trọng trong quá trình lập pháp. Bài viết dưới đây, Văn phòng đăng ký bản quyền sẽ khái quát đối tượng và điều kiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, những biện pháp xử lý khi có bất kỳ hành vi xâm phạm nào.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là gì?
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là nhà nước và chủ thể sở hữu trí tuệ sẽ sử dụng những biện pháp pháp lý để bảo vệ đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, chống lại mọi hành vi xâm phạm.
Quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ bằng biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Trong đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý thông qua việc khởi kiện tại Tòa án, hoặc gửi đơn yêu cầu xử lý tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối tượng và điều kiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, đối tượng bảo hộ của quyền sở hữu trí tuệ gồm quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Cụ thể như sau:
- Quyền tác giả có đối tượng bảo hộ là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học: Được bảo hộ khi tác phẩm có tính nguyên gốc và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ thể hiện;
- Quyền liên quan có đối tượng bảo hộ là trình diễn; cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; chương trình phát sóng: Được bảo hộ khi không gây phương hại đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng bảo hộ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ); nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại (bảo hộ trên cơ sở sử dụng); bí mật kinh doanh (bảo hộ trên cơ sở sử dụng và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh); chống cạnh tranh không lành mạnh (bảo hộ trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh);
- Quyền đối với giống cây trồng có đối tượng bảo hộ là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch: Được bảo hộ dựa trên văn bằng bảo hộ.
Nhà nước sử dụng biện pháp gì để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm mà nhà nước sẽ xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Xử lý dân sự
Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể sở hữu hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý chủ thể có hành vi xâm phạm:
- Yêu cầu chấm dứt hành vi;
- Yêu cầu xin lỗi công khai, cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích cho hoạt động kinh doanh.
Trường hợp 2: Xử lý hành chính
Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể sở hữu; tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm. Những hành vi xâm phạm sau đây sẽ bị xử phạt hành chính:
- Gây thiệt hại đến người tiêu dùng, đến xã hội;
- Tiếp tục có hành vi xâm phạm dù đã được chủ thể sở hữu yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo.
Trường hợp 3: Xử lý hình sự
Được áp dụng trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.