Các loại hình doanh nghiệp hiện hành tại thị trường Việt Nam
Mục lục
Các loại hình doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam rất đa dạng. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều mang các ưu điểm khác nhau để nhà đầu tư có thể khai thác, lựa chọn cho mình loại hình phù hợp nhất cho quá trình phát triển kinh doanh. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu thêm các quy định pháp lý về những loại hình doanh nghiệp phổ biến ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do cá nhân làm chủ sở hữu. Loại hình doanh nghiệp này giống như một loại tài sản sở hữu riêng của chủ doanh nghiệp. Vì vậy, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Để đảm bảo cho quá trình phát triển và chịu trách nhiệm, pháp luật quy định mỗi cá nhân chỉ được phép sở hữu một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có đặc điểm như thế nào?
Như tên gọi, công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp với đặc điểm nổi bật chính là việc các chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn mà mình đã bỏ vào hoặc số vốn đã đăng ký trong điều lệ công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn được chia thành hai loại: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo định nghĩa tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có các đặc điểm sau:
“1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cần đảm bảo số lượng thành viên góp vốn thành lập công ty dao động từ 02 đến 50. Thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Ngoài ra, loại hình này còn có thể:
- Được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
- Được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh cần có tối thiểu 02 cá nhân góp vốn trực tiếp là chủ sở hữu chung của công ty, cùng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
Ngoài thành viên hợp danh, công ty hợp danh còn có thể thêm các thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Công ty cổ phần bắt buộc phải có tối thiểu 03 cổ đông phổ thông và không hạn chế số lượng tối đa.
Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; và có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.