Những điều cần biết về luật sở hữu trí tuệ quốc tế
Mục lục
Những vấn đề về thành quả lao động sáng tạo luôn được pháp luật đề cao và bảo hộ. Chính vì vậy mà luật sở hữu trí tuệ cả trong nước và luật sở hữu trí tuệ quốc tế đều rất được quan tâm. Nhất là các quy định đối với các đơn đăng ký quốc tế được thực hiện tại Việt Nam. Điều này giúp các chủ sở hữu nước ngoài có thể phần nào hiểu hơn về cách thức để bảo vệ quyền lợi của mình.
Quy định của pháp luật về luật sở hữu trí tuệ quốc tế
Từ khi có những chế định về sở hữu trí tuệ thì Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc hội nhập với các nước trong lĩnh vực này. Do vậy mà Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế. Bên cạnh đó là những quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ mang tính quốc tế.
Nguyên tắc áp dụng luật sở hữu trí tuệ quốc tế
Theo quy định tại Điều 5 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 thì tùy theo trường hợp mà trình tự áp dụng các quy định để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ quốc tế là khác nhau. Cụ thể là:
“Điều 5. Áp dụng pháp luật
- Trong trường hợp có những vấn đề dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ không được quy định trong Luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.
- Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về sở hữu trí tuệ của Luật này với quy định của luật khác thì áp dụng quy định của Luật này.
- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”
Đối tượng áp dụng
Trọng tâm của luật sở hữu trí tuệ quốc tế chính là việc đăng ký quyền sở hữu công nghiệp quốc tế. Tuy nhiên không phải bất kỳ đối tượng đăng ký nào cũng áp dụng theo các quy định này. Điều 2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 122/2010/NĐ-CP quy định những đối tượng áp dụng theo cơ chế này bao gồm:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác của pháp luật dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân).
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các điều ước quốc tế quy định tại khoản này bao gồm:
a) Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp năm 1883, sửa đổi năm 1967 (sau đây gọi tắt là “Công ước Paris”);
b) Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000;
c) Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ Việt Nam – Thụy Sĩ năm 1999;
d) Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) năm 1994, kể từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;
đ) Các điều ước quốc tế khác liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên.”
Đăng ký sở hữu công nghiệp theo luật sở hữu trí tuệ quốc tế
Khác với những đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam, những đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên sẽ có một quy trình xử lý riêng biệt. Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 103/2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 122/2010/NĐ-CP. Theo đó trong trường hợp điều ước quốc tế liên quan đến sở hữu công nghiệp mà Việt Nam là thành viên có quy định về thừa nhận, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên thì quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân của các thành viên khác được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam.
Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ trong phạm vi, thời hạn phù hợp với quy định của điều ước quốc tế và không phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mọi thông tin cần thiết liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được thừa nhận, bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế.