Cùng tìm hiểu cách đăng ký bản quyền sách
Mục lục
Bảo hộ bản quyền đối với các tác phẩm của mình là vô cùng quan trọng đối với tác giả, chủ sở hữu, đặc biệt là khi nạn đạo nhái, sao chép tác phẩm diễn ra thường xuyên và ngày càng tinh vi. Vậy thủ tục để đăng ký bản quyền sách thực hiện như thế nào? Hãy cùng Văn phòng đăng ký bản quyền tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
1. Đăng ký bản quyền sách là gì?
Sách là đối tượng bảo hộ quyền tác giả. Để tạo ra một cuốn sách, tác giả đã bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ và sự sáng tạo của mình để xây dựng nên một cuốn sáng mang nhiều kiến thức, thông tin,… Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam ban hành các quy định để bảo hộ bản quyền nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả sáng tạo, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo nói chung và sáng tạo sách nói riêng. Đăng ký bảo hộ bản quyền sách sẽ giúp tác giả, chủ sở hữu sách được pháp luật bảo vệ qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho sách.
Đăng ký bản quyền sách là việc chủ sở hữu hay tác giả của sách trực tiếp hoặc ủy quyền cho chủ thể khác tiến hành nộp đơn đăng ký sách tại Cục Bản quyền tác giả để ghi nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với cuốn sách. Khi có bất kỳ hành vi xâm phạm, như: mạo danh, sao chép, sử dụng trái phép cuốn sách,… chủ sở hữu sẽ có quyền yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự để tiến hành xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm sách.
2. Đăng ký bản quyền sách có phải là một thủ tục bắt buộc không?
Tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và năm 2022 quy định về căn cứ phát sinh quyền tác giả:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Như vậy, ngay sau khi tác phẩm được hoàn thành, mặc dù chưa tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền nhưng quyền tác giả vẫn sẽ được phát sinh từ thời điểm đó. Tuy nhiên, khi được cấp Văn bằng bảo hộ sẽ chứng minh được ai có quyền sở hữu đối với tác phẩm khi có tranh chấp xảy ra.
Do đó, mặc dù việc đăng ký quyền tác giả sách là không bắt buộc nhưng việc lại rất cần thiết và rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt là chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra. Khi có tranh chấp, tác giả, chủ sở hữu sách đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả thuộc về mình, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Khi đó nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về tổ chức, cá nhân khác có tranh chấp.
3. Quá trình thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền sách
Khi đăng ký bản quyền sách, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ đăng ký
Chuẩn bị bộ hồ sơ sau:
- Tờ khai đề nghị đăng ký bảo hộ sách;
- Hai bản sao sách dự định bảo hộ;
- Giấy uỷ quyền/hợp động ủy quyền;
- Giấy tờ xác nhận quyền nộp đơn;
- Nếu tác phẩm có đồng tác giả thì cần bổ sung giấy đồng ý đăng ký bảo hộ của các đồng tác giả;
- Nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung thì cần bổ sung giấy đồng ý đăng ký bảo hộ của các đồng chủ sở hữu.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Tác giả, chủ sở hữu sách hoặc chủ thể được ủy quyền nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến bộ phận một cửa của trụ sở hoặc Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả ở TP.HCM và Đà Nẵng.
Bước 3: Xem xét đơn đăng ký và ra thông báo
Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ giấy tờ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền sách. Trong trường hợp bị từ chối, Cục Bản quyền tác giả sẽ thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do từ chối cho người nộp đơn.