Tìm hiểu đăng ký nhãn hiệu quốc tế
Mục lục
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế được hiểu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại một hoặc nhiều quốc gia trên thế giới. Để hiểu rõ hơn chủ đề này, chúng tôi sẽ tư vấn cho các bạn các vấn đề liên quan đến đăng ký nhãn hiệu quốc tế để bảo vệ tối ưu quyền lợi chính đáng của các bạn.
1. Định nghĩa đăng ký nhãn hiệu quốc tế?
Đăng ký nhãn hiệu quốc tế là việc tổ chức, cá nhân thực hiện quy trình các bước của thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu dùng cho những sản phẩm, dịch vụ tại các quốc gia mà bản thân họ mong muốn.
Khi nhãn hiệu được đăng ký tại quốc gia khác, doanh nghiệp là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể đạt được một số lợi ích như sau:
- Được độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ mình đăng ký tại những quốc gia cấp văn bằng bảo hộ;
- Được quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu này cho các chủ thể khác. Thông qua những hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng, doanh nghiệp có thể thu được những khoản tiền tương đối lớn;
- Tạo ra thế cân bằng trong cuộc đàm phán hoặc cạnh tranh thị phần với các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ tại nước ngoài;
- Hạn chế rủi ro bị chiếm đoạt nhãn hiệu tại thị trường quốc gia sở tại. Đồng thời, tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh chấp nhãn hiệu.
2. Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế như thế nào?
Việc đầu tiên khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế chính là lựa chọn quốc gia đăng ký bảo hộ. Bạn có thể lựa chọn một hoặc nhiều quốc gia để đăng ký, tùy thuộc vào thị trường các quốc gia mà bạn hướng đến để phát triển dòng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của mình.
Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế có hai hình thức, đó là nộp đơn trực tiếp tại quốc gia đó hoặc nộp đơn qua hệ thống Madrid tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Trường hợp 1: Nộp đơn trực tiếp
Khi tiến hành nộp đơn bảo hộ trực tiếp, bạn sẽ phải tuân theo quy định pháp luật của từng quốc gia mà bạn lựa chọn (về điều kiện, thủ tục, hồ sơ, thời gian…). Nếu bạn muốn biết được thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia nào hãy liên hệ với Văn phòng đăng ký bản quyền để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết.
Trường hợp 2: Nộp đơn qua hệ thống Madrid
Chỉ nên áp dụng khi bạn đăng ký cho nhiều quốc gia. Bạn chỉ cần nộp một đơn duy nhất lên WIPO để được bảo hộ cùng lúc tại nhiều quốc gia, giúp bạn tiết kiệm được cả về thời gian và chi phí. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng là các quốc gia này phải cùng là thành viên của hệ thống Madrid (thành viên của Nghị định thư hoặc Thỏa ước Madrid). Cụ thể như sau:
- Nếu quốc gia mà bạn lựa chọn đăng ký là thành viên của Thỏa ước Madrid: Bạn cần phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó tại quốc gia của mình trước khi tiến hành đăng ký lên Cơ quan WIPO;
- Nếu quốc gia lựa chọn đăng ký là thành viên của Nghị định thư Madrid: Bạn chỉ cần có Thông báo chấp nhận hợp lệ hình thức về việc nộp đơn nhãn hiệu tại quốc gia của mình để đáp ứng điều kiện hồ sơ tối thiểu cho việc đăng ký nhãn hiệu lên WIPO.
3. Những lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế là gì?
Vài lưu ý nhỏ trong quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế như sau:
- Người nộp đơn đăng ký phải bảo đảm các thông tin (tên, địa chỉ của người nộp đơn, hàng hoá, dịch vụ và phân nhóm hàng hoá, dịch vụ,…) trong tờ khai đăng ký là chính xác;
- Trong tờ khai đăng ký cần chỉ rõ nước hoặc các nước muốn đăng ký nhãn hiệu;
- Đơn đăng ký chỉ định quốc gia muốn được bảo hộ nhãn hiệu là thành viên của Thoả ước Madrid và không chỉ định bất kỳ quốc gia nào là thành viên Nghị định thư Madrid phải được viết bằng tiếng Pháp;
- Đơn đăng ký chỉ định ít nhất một quốc gia là thành viên của Nghị định thư Madrid, kể cả đồng thời chỉ định quốc gia là thành viên của Thoả ước Madrid phải được viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.