Tìm hiểu khái quát bảo hộ bản quyền tác giả
Mục lục
Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, khung pháp lý cho việc bảo hộ bản quyền tác giả và thực thi quyền tác giả tại Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tiễn. Đối tượng của quyền tác giả là những tài sản phi vật chất, có giá trị kinh tế, tinh thần to lớn trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh, khoa học, công nghệ nhân loại. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu khái quát về nội dung này.
1. Đăng ký bảo hộ quyền tác giả có thực sự cần thiết không?
Khi các bạn quyết định không thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, khi có xung đột quyền lợi, tranh chấp xảy ra trong tương lai thì các chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm là của họ. Tức là bản thân phải tự chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm và cung cấp cho Tòa án. Tuy nhiên, để có thể chứng minh tác phẩm đó do bản thân mình sáng tác ra không phải là điều dễ dàng thực hiện, thậm chí là không thể chứng minh được.
Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền không quá phức tạp và chi phí rất nhỏ so với lợi ích thiết thực mang lại. Vì vậy, khi tạo ra một tác phẩm, đặc biệt những tác phẩm có giá trị kinh tế và nhiều khả năng dễ bị sử dụng trái phép, chiếm đoạt thì các bạn nên nhanh chóng thực hiện đăng ký độc quyền quyền tác giả.
2. Bảo vệ bản quyền tác giả gồm những nội dung gì?
Theo quy định sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền tác giả gồm 02 nội dung đó là bảo vệ quyền nhân thân của tác giả và quyền tài sản của người sở hữu tác phẩm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân
Về mặt bản chất, đây là những quyền gắn liền với tác giả và không thể chuyển giao được, trừ quyền công bố tác phẩm. Quyền nhân thân sẽ bao gồm những quyền sau:
- Quyền đứng tên trên tác phẩm; được nêu tên khi công bố, sử dụng tác phẩm;
- Quyền đặt tên cho tác phẩm;
- Quyền công bố tác phẩm mà mình sở hữu hoặc cho phép chủ thể khác công bố tác phẩm;
- Quyền không cho chủ thể khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm.
Thứ hai, quyền tài sản
Đây là những quyền có thể chuyển giao được. Gồm những quyền sau:
- Làm tác phẩm phái sinh;
- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
- Sao chép tác phẩm;
- Quyền phân phối, quyền nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà mình đang sở hữu;
- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng;
- Quyền cho chủ thể khác thuê bản gốc hoặc bản sao các tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính của bản thân.
3. Thủ tục các bước để đăng ký bản quyền tác giả như thế nào?
Quy trình các bước để đăng ký bảo vệ bản quyền tác giả diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký
Khi đi đăng ký bảo hộ độc quyền, chủ sở hữu cần điền đầy đủ và chính xác thông tin vào tờ khai đăng ký. Đồng thời, chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để đăng ký. Bởi vì Cục bản quyền tác giả có thể ra văn bản từ chối nếu như hồ sơ đăng ký không hợp lệ.
Bộ hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm những giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ bản quyền;
- 02 bản sao tác phẩm dự định đăng ký bảo hộ;
- Cung cấp giấy tờ uỷ quyền, nếu được uỷ quyền thực hiện thủ tục;
- Cung cấp giấy tờ chứng minh quyền nộp đơn khi thụ hưởng quyền từ người khác;
- Cung cấp văn bản đồng thuận đăng ký bảo hộ của các đồng tác giả;
Cung cấp văn bản đồng thuận đăng ký bảo hộ của chủ sở hữu.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký
Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến bộ phận một cửa trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh, tại thành phố Đà Nẵng.
Bước 3: Xem xét và ra quyết định
Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được giấy tờ đăng ký hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp văn bằng bảo hộ đăng ký quyền tác giả. Nếu Cục Bản quyền tác giả từ chối cấp văn bằng bảo hộ đăng ký quyền tác giả thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.