Tìm hiểu bộ hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm
Mục lục
Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm là tài liệu không thể thiếu khi bạn muốn đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu những giấy tờ cần chuẩn bị trong bộ hồ sơ cũng như quy trình đăng ký.
1. Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm gồm những gì?
Căn cứ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành thì những giấy tờ cần chuẩn bị để đăng ký bản quyền phần mềm gồm:
- Tờ khai đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm;
- 02 bản code phần mềm có đánh thứ tự số trang và dấu giáp lai hoặc chữ ký của chủ sở hữu đăng ký;
- 02 bản đĩa CD có chứa nội dung phần mềm (bao gồm Code, bản in trang chủ giao diện và chuyên mục phần mềm);
- Giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng ủy quyền cho chủ thể khác thực hiện;
- Tài liệu thể hiện quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
- Văn bản chấp thuận của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả (nếu có);
- Văn bản chấp thuận của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung (nếu có).
2. Thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm hiện nay?
Trình tự đăng ký bản quyền phần mềm được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan chức năng
Bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ như trên và nộp tại bộ phận 1 cửa trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng.
Bước 2: Quyết định cấp văn bằng
Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đầy đủ giấy tờ đăng ký hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp văn bằng bảo hộ đăng ký quyền tác giả. Nếu giấy tờ đăng ký không đầy đủ hoặc không hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ ra văn bản thông báo từ chối có nêu rõ lý do cho người nộp đơn.
3. Hành vi vi phạm bản quyền phần mềm xác định như thế nào?
Hành vi xâm phạm quyền tác giả phần mềm gồm những hành vi xâm phạm sau:
- Chiếm đoạt bản quyền phần mềm;
- Mạo danh tác giả;
- Công bố phần mềm, phân phối phần mềm mà không được sự cho phép của tác giả; Sửa chữa tác phẩm, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến tác giả;
- Sao chép phần mềm mà không được sự cho phép;
- Làm tác phẩm phái sinh khi chưa được sự cho phép;
- Sử dụng phần mềm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu, không trả tiền nhuận bút, tiền thù lao hay bất kỳ quyền lợi vật chất khác;
- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử,…
4. Xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm như thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm mà xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Xử lý dân sự
Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu phần mềm hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Tòa án sẽ áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý chủ thể có hành vi xâm phạm bản quyền:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi công khai, cải chính công khai;
- Thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh.
Trường hợp 2: Xử lý hành chính
Được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu phần mềm, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc chủ thể phát hiện ra hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra.
Những hành vi sau đây sẽ bị xử phạt hành chính:
- Gây thiệt hại đến người tiêu dùng hoặc đến cả xã hội;
- Tiếp tục có hành vi xâm phạm mặc dù đã được chủ thể bản quyền thông báo chấm dứt hành vi đó;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán phần mềm giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán phần mềm giả mạo.
Trường hợp 3: Xử lý hình sự
Được áp dụng trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hành vi vi phạm bị áp dụng chế tài hình sự khi đủ 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, về hành vi vi phạm
Không được sự cho phép của chủ thể có quyền mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Sao chép tác phẩm;
- Phân phối bản sao phần mềm đến công chúng.
Thứ hai, về hậu quả
Xâm phạm quyền tác giả phần mềm đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu, tác giả quyền tác giả từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Thứ ba, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả
Hành vi xâm phạm quyền tác giả phần mềm phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.