Đăng ký quyền tác giả đối với bản thảo tác phẩm văn học
Mục lục
Bản thảo là tài liệu quan trọng, chứa đựng những nội dung mà các tác giả phác họa cho tác phẩm văn học hoàn chỉnh của mình trong tương lai. Có thể đăng ký quyền tác giả cho bản thảo tác phẩm văn học hay không luôn là trăn trở chung của rất nhiều tác giả, chủ sở hữu bản thảo. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu các quy định pháp lý hiện hành về vấn đề này ngay trong nội dung bài viết dưới đây nhé.
![Bản thảo có được xem là một tác phẩm? Bản thảo có được xem là một tác phẩm?](https://dangkybanquyen.net/wp-content/uploads/2021/07/ban-thao-tac-pham.jpg)
Bản thảo có được xem là đối tượng bảo hộ quyền tác giả?
Bản thảo tác phẩm văn học có thể xem là nguồn tư liệu chính để tạo nên tác phẩm văn học hoàn chỉnh nhất. Đây cũng là nguồn nghiên cứu, tham khảo để nghiên cứu về quá trình sáng tác, hoàn thiện tác phẩm văn học của tác giả; đồng thời cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho hoạt động sáng tác tác phẩm.
Bản thảo chính xác là một tác phẩm chưa hoàn thiện, tuy nhiên đây vẫn là tác phẩm được trực tiếp sáng tạo từ trí tuệ của tác giả. Theo quy định hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành:
“Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.”
Với bản thảo, thực chất đã được thể hiện dưới hình thức nhất định, vì vậy không phụ thuộc vào nội dung đã hoàn thiện hay chưa, đây vẫn là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và phát sinh quyền kể từ khi được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức vật chất nhất định.
Cách đăng ký quyền tác giả cho bản thảo
Bạn có thể thực hiện đăng ký quyền tác giả cho bản thảo tương tự như với các loại hình tác phẩm được bảo hộ khác. Bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền Việt Nam để được kiểm tra, xét duyệt và cấp giấy chứng nhận bảo hộ quyền tác giả hợp pháp.
![Đăng ký bản quyền cho bản thảo tác phẩm văn học. Đăng ký bản quyền cho bản thảo tác phẩm văn học.](https://dangkybanquyen.net/wp-content/uploads/2021/07/dang-ky-ban-quyen-ban-thao.jpg)
Thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả
Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với bản thảo tác phẩm văn học cần đáp ứng được các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành bao gồm:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu quy định
- Hai bản sao tác phẩm bản thảo
- Giấy ủy quyền, nếu người nộp đơn là người được ủy quyền;
- Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
- Bản cam kết quá trình sáng tác của tác giả
Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thực hiện như sau:
“Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp đơn. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.”
Quyền tác giả đối với bản thảo bao gồm những quyền nào?
Với bản thảo tác phẩm văn học, quyền tác giả cũng bao gồm hai loại quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản. Theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, hai quyền này bao gồm:
- Quyền nhân thân là các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Quyền tài sản bao gồm những quyền như: Làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.