Thời điểm nên ra quyết định ly hôn
Mục lục
Quyết định ly hôn là biện pháp cuối cùng mà nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng trong đời sống hôn nhân. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Khi đã có quyết định, bản án ly hôn của Tòa án thì mối quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng sẽ chấm dứt.
Khi nào nên quyết định ly hôn trong thời buổi hiện nay?
Bất kỳ cặp đôi nào khi quyết định kết hôn đều muốn ở bên nhau mãi mãi. Nhưng một khi họ đã quyết định ly hôn thì đây thường là biện pháp cuối cùng khi gặp phải vấn đề không thể giải quyết và muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân này. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn. Trước khi quyết định ly hôn, bạn cần suy nghĩ thấu đáo và cả hai vợ chồng nên cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ những mâu thuẫn đang tồn tại. Chỉ nên ly hôn khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khiến cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích cuộc hôn nhân không đạt được.
Trường hợp nào không được phép thực hiện ly hôn?
Ngày nay, những trường hợp không được thực hiện ly hôn bao gồm:
- Có căn cứ người vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng nhưng không làm cho mối quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được;
- Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng;
- Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có Tuyên bố mất tích của Tòa án thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn;
- Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì Tòa án sẽ không giải quyết ly hôn nếu người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh hoặc không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.
Quy trình ly hôn được tiến hành như thế nào?
Sau khi quyết định ly hôn, cần nộp giấy tờ ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền. Quy trình các bước ly hôn diễn ra như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ cho Tòa án
Nộp hồ sơ yêu cầu ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền, cụ thể như sau:
- Ly hôn thuận tình: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng cư trú hoặc làm việc;
- Ly hôn đơn phương: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết ly hôn.
Bước 2: Thụ lý đơn ly hôn
Sau tiếp nhận đơn ly hôn, Tòa án sẽ xem xét có thụ lý hay không? Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án thụ lý đơn ly hôn từ thời điểm nộp biên lai đóng tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Hòa giải
Hòa giải tại Tòa án nhân dân là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi đưa vụ án ra xét xử, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Thuận tình ly hôn
- Hai vợ chồng đồng ý đoàn tụ: Thẩm phán sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn;
- Hòa giải thành công: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn;
- Hòa giải không thành: Lập biên bản hòa giải không thành công và thụ lý vụ án ly hôn để giải quyết.
Trường hợp 2: Ly hôn đơn phương
Nếu hòa giải thành, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi ý kiến thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Nếu hòa giải không thành Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.